Cần giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

PV.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, chiều ngày 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí nội dung xung quanh gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là một hướng đi rất đúng đắn và Chính phủ khi dành gói hỗ trợ 100.000 tỷ cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên,các doanh nghiệp cần phải hiểu một cách đúng về định hướng này.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã cho biết, khác với gói tín dụng 30.000 tỷ để đầu tư nhà ở, gói 100.000 tỷ này không phải là gói tái cấp từ vốn ngân sách nhà nước mà là Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 1,5% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Gói tín dụng này xuất phát trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam. Theo đó, Thủ tướng có nói sẽ dành cần gói  tín dụng 100.000 tỷ hỗ trợ DN thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể, trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao NHNN xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.

Đồng thời, NHNN phải chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp (hiện nay các công ty phải vay với lãi suất trên 9,5% và không cố định mà điều chỉnh thả nổi từng tháng).

Với chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng, vốn, đầu tư tín dụng, trong đó tới đây sẽ sửa một số nghị định về tích tụ ruộng đất. Thay vì sản xuất manh mún, thì sẽ dồn điền đổi thửa sử dụng ruộng đất hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động khu vực nông thôn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, DN chỉ làm lõi, làm nòng cốt, DN cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật, cung cấp công nghệ và hướng dẫn quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị, từ đó có thể thu mua thành phẩm của các hợp tác xã, người dân. Song song với đó triển khai các mô hình hợp tác xã, cung cấp công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị, tạo vùng sản xuất với sản lượng, giá trị, chất lượng theo mong đợi của người dân cũng như của thị trường.

Cũng theo thông tin tại buổi họp báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  yêu cầu, các bộ ngành liên quan có kế hoạch, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; không để chủ trương của Chính phủ “treo mãi”.