Cần liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Chuyển giá không những gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn gây bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính. Đây là mối nguy hại tiềm ẩn rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Phóng viên phỏng vấn TS. Phạm Hùng Tiến, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy liên quan đến lĩnh vực kinh doanh quốc tế, đặc biệt có nhiều nghiên cứu về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Một báo cáo công tác của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, qua tổng hợp số liệu của hơn 300 nghìn DN nộp tờ khai tạm tính thuế thu nhập DN (TNDN) năm 2013, cho thấy DN FDI lỗ 68.203 tỉ đồng, tỉ lệ tăng lỗ cao nhất là 37,6%. Ông có đánh giá gì về con số này?

Cần liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI  - Ảnh 1
TS. Phạm Hùng Tiến,
Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
TS. Phạm Hùng Tiến: Rõ ràng là có hiện tượng chuyển giá, bởi hầu hết các DN đầu tư nước ngoài không triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ tại Việt Nam.

Điều này thể hiện đang tồn tại những khoảng trống giữa năng lực quản lí thuế tại các Chi cục thuế và nhu cầu chống chuyển giá đối với các DN FDI có giao dịch liên kết và liên tục khai lỗ. Đồng thời, công cuộc chống chuyển giá đang là một nhiệm vụ bức thiết không chỉ của Tổng cục Thuế trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng. 

Theo nghiên cứu của ông, chuyển giá xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ? 

Ở Việt Nam, hoạt động chuyển giá bắt đầu diễn ra từ những năm 1990 do hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra theo chiều ngang để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân, nhiều ngành hàng sản xuất đã ra đời trong thời gian này (điện tử, ô tô, xe máy...). Nhất là khi Luật Đầu tư nước ngoài ban hành lần đầu có hiệu lực (tháng 1-1988), các ưu đãi đầu tư hầu như không còn, việc chuyển giá ở một số DN FDI mới lộ rõ bản chất lách luật và trốn thuế.

Có một đặc điểm là, việc chuyển giá với mục đích lách luật, trốn thuế diễn ra khá dễ dàng và xảy ra chủ yếu ở hai nhóm đối tượng: Thứ nhất là các DN đến từ các nền kinh tế có thuế TNDN thấp hơn Việt Nam và tập trung ở các DN có hàm lượng công nghệ thấp và thiếu chiến lược kinh doanh; thứ hai là các DN sản xuất cung ứng hàng tiêu dùng có thương hiệu nổi tiếng.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng theo ông vì sao công tác chống chuyển giá chưa thể thực hiện thành công?

Việc xác định đúng giá thành sản xuất trên bình diện quốc tế là vấn đề phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà ngay cả với các quốc gia đã phát triển.

Trong những năm vừa qua, công tác chống chuyển giá trong khu vực FDI tại tất cả 63 địa phương trong nước đã đạt được những thành công ban đầu. Số lượng DN bị thanh tra hoặc kiểm tra lại tăng dần theo các năm, riêng năm 2013 vừa qua là trên 2.100 DN. Tuy nhiên, với sự gia tăng hội nhập kinh tế quốc tế thì hoạt động quản lí thuế cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục cấp bách.

Năm 2011, ở Việt Nam mới có một trường hợp duy nhất thành công trong việc chống chuyển giá, đó là phát hiện và xử lí hành vi gian lận của nhà đầu tư Đài Loan thu mua và chế biến chè xuất khẩu tại Lâm Đồng. Nhưng để đạt được kết quả như vậy, địa phương này đã phải áp dụng biện pháp hành chính, chứ không phải dùng công cụ giá giao dịch độc lập để tìm ra giá xuất khẩu chè.

Một nguyên nhân khác, do phải tập trung giải quyết việc làm cho người lao động và nhu cầu vốn, công nghệ nước ngoài để đưa nền kinh tế mau chóng thoát khỏi trình độ lạc hậu, trong thời gian qua vấn đề chuyển giá chưa được các cơ quan quản lí trong nước quan tâm nhiều. Hơn nữa, một số DN nước ngoài cũng vận dụng những hành vi có biểu hiện chuyển giá ngày càng tinh vi, ví dụ như thông qua chi trả lãi vay góp vốn kinh doanh với mức lãi suất cao bất thường.

Vậy làm thế nào để phát hiện ra một DN có hành vi chuyển giá, thưa ông?

Hiện tượng chuyển giá tồn tại ở khắp nơi và dưới nhiều hình thức, thông thường các cơ quan Thuế giám sát vấn đề dựa trên nguyên tắc xác định giá thị trường hay còn gọi là nguyên tắc so sánh bên ngoài. Tuy nhiên, việc xác định giá chuyển giao nội bộ cần nhìn vào chuỗi giá trị gia tăng của chi tiết, sản phẩm đó. Chẳng hạn, đối với một chi tiết sản xuất ở Việt Nam rồi xuất sang Hàn Quốc, chúng ta cần xem chi tiết đó nằm trong một sản phẩm gồm tổng thành bao nhiêu chi tiết, bán bao nhiêu tiền, sâu hơn nữa là những chi tiết đó được sản xuất ở những khu vực nào trên thế giới...

So sánh giữa tổng chi phí đầu vào với giá bán ra có thể nhận thấy có hiện tượng chuyển giá hay không. Nếu chi phí đầu vào lớn hơn nhiều lần so với giá bán, chắc chắn hiện tượng chuyển giá đã được thực hiện. Ví dụ, giá thành 1kg trà thành phẩm sau chế biến tại Lâm Đồng thường dao động từ 8-9 USD, nhưng DN xuất khẩu khai bán với giá chỉ từ 2,8-4 USD/kg, tức là đã chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về cho DN mua hàng.

Theo ông để giải quyết “tận gốc” vấn đề chuyển giá, cơ quan quản lí phải làm gì?

Trước mắt hỗ trợ thông tin tối đa để các DN trong nước có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, từ đó chủ động ngăn chặn ý đồ thực hiện hành vi chuyển giá của nhà đầu tư nước ngoài. Song song với đó cần xây dựng chiến lược dài hạn để giải quyết “tận gốc” vấn đề chuyển giá, theo hướng tạo dựng được mối liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước (bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân) với khu vực kinh tế FDI, không chỉ liên kết về mặt kinh tế, mà còn liên kết với nhau về các mặt văn hóa, giáo dục, đào tạo…

Mạng lưới liên kết đó giống như mô hình của hợp tác xã. Hợp tác xã không làm tất cả nhưng hợp tác xã sẽ làm tất cả những gì hội viên cần đến. Thông qua đó, các dịch vụ chung hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các DN FDI được cung cấp, trong đó có sự tham gia của DN trong nước. Nếu các bên hay các nhóm lợi ích thiết kế được mô hình như vậy thì sẽ tăng mức độ trao đổi giữa các thành viên trong mạng lưới liên kết. Qua đó, các bên sẽ hiểu biết lẫn nhau dựa trên sự tin cậy.

Đầu tiên là sử dụng một dịch vụ chung, sau đó sẽ sử dụng những dịch vụ của người trong mạng lưới đó cung cấp ra. Nếu những dịch vụ đó đem lại cho DN nhiều lợi ích thì có thể DN không phải dùng đến biện pháp chuyển giá nữa.