Cần những cam kết cụ thể

Theo Thanh Hải/daibieunhandan.vn

Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, với nhiều thay đổi quan trọng về phương thức ban hành nghị quyết. Nhiều ĐBQH đánh giá cao bảng nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành, địa phương, và mong muốn tinh thần này sẽ được tiếp nối ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

242 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương

Ban hành nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước đã trở thành hoạt động thường lệ trong những năm gần đây. Nghị quyết số 01 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong ngày đầu tiên của năm mới 2018 tạo ấn tượng tốt với nhiều chuyên gia và ĐBQH, nhất là về tính cụ thể của nghị quyết.

Tại Kỳ họp thứ Tư, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, nhấn mạnh vào mục tiêu tổng quát. Qua đó, tạo không gian cho Chính phủ chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, thực hiện những mục tiêu, chỉ tiêu QH đã đề ra. Tuy nhiên, khác với những nghị quyết đã ban hành trước đó, còn xảy ra tình trạng chưa thực sự ngắn gọn, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên. Thậm chí, còn đưa công việc thường xuyên thuộc chức năng của bộ, ngành vào. Hoặc một số nội dung đã đưa vào các nghị quyết khác cũng có thể vẫn được đưa vào Nghị quyết này của Chính phủ.

Qua theo dõi, nguyên ĐBQH, Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận thấy, Nghị quyết 01 của Chính phủ có quá trình chuẩn bị rất kỹ ngay từ khâu lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, chuyên gia, và được tiếp thu, hoàn thiện nhiều lần. Nghị quyết năm nay được xây dựng gọn hơn, tập trung hơn so với các năm trước, không đưa công việc thường xuyên thuộc chức năng của bộ, ngành… Các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra đã nhấn mạnh thêm phương hướng triển khai các mục tiêu được QH đề ra cho năm 2018, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.

Tính cụ thể của Nghị quyết 01 còn được thể hiện qua việc có thêm Phụ lục quy định 242 công việc, để các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay. Với từng công việc cụ thể, Nghị quyết cũng nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian hoàn thành... Phụ lục này được ban hành bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác xây dựng Nghị quyết được nhắc lại nhiều lần trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, đó là “chủ trương 1, biện pháp 10”, hay “không để tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”…

Nghị quyết cũng yêu cầu sau 10 ngày kể từ ngày ban hành Nghị quyết, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, chỉ thị cụ thể; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2018. Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao. Tức là, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao không chỉ được đánh giá một cách ước lượng, mà phải định lượng cụ thể, qua đó nhìn rõ hiệu quả làm việc của từng bộ, ngành, địa phương.

Kỳ vọng thay đổi tích cực

Sự thay đổi tích cực trong phương thức ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ để triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo Nghị quyết của QH cũng nhận được sự đánh giá cao của nhiều ĐBQH. Đơn cử, với giải ngân vốn đầu tư, nếu chỉ đặt khẩu hiệu “đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm”, mà không xác định cơ quan chịu trách nhiệm và tiến độ thực hiện cho từng công việc, thì khó có thể khắc phục hạn chế, tạo sự thay đổi thật sự với “căn bệnh” không mới này.

Cần những cam kết cụ thể - Ảnh 1

Nguồn: ITN

Các công việc cụ thể được giao các bộ, ngành, địa phương trong năm 2018 là đòi hỏi sát sườn hơn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị, cơ quan, tổ chức trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Cũng theo một số ĐBQH, 242 công việc cụ thể nêu trên cũng sẽ giúp QH, các ĐBQH có thêm cơ sở để đánh giá, cân nhắc, tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm trong nửa đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020 với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Năm 2018 là năm bản lề trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2016 - 2020). Với những đầu việc cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, thời hạn hoàn thành, có cơ sở để tin rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chuyển động mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội QH đã đề ra. Đây có lẽ cũng là mong muốn, yêu cầu của cử tri và nhân dân cũng như các ĐBQH, đó là nói đi đôi với làm.