Cần phát triển thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản bền vững

Theo dangcongsan.vn

(Tài chính) Năm 2015, dự kiến có hàng loạt hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết, mở ra khả năng phát triển thị trường xuất khẩu tốt hơn. Tuy vậy, nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng những tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng này lại có sự sụt giảm đáng kể.

Cần phát triển thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản bền vững
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong những năm qua, nhìn chung, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam có xu hướng hướng gia tăng cả về lượng và giá trị. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 23,9 tỷ USD, đến năm 2014, con số này tăng lên 25,7 tỷ USD. Điều này cho thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp xuất khẩu không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì tốt và mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, số lượng thị trường xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam tăng khá nhanh. Nếu năm 2008, các mặt hàng nông sản của nước ta có mặt tại 107 thị trường, năm 2010 là 117 thị trường, thì đến năm 2013, con số này tăng lên 129 thị trường. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD cũng không ngừng tăng. Nếu như năm 2001, chỉ có mặt hàng thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến năm 2013 đã có 7 mặt hàng, và đến năm 2014, con số này đã tăng lên 10 mặt hàng.

Điểm đáng chú ý, những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang một số thị trường chính có sự sụt giảm, chẳng hạn: trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm tới 44%, sang thị trường châu Âu giảm 10%, sang thị trường Nhật Bản giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tại một số thị trường mới lại có sự gia tăng. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản sang một số thị trường tại khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á đạt 215,4 triệu USD, tăng14,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang một số thị trường mới có xu hướng gia tăng, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang những thị trường này lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do vậy, làm thế nào để hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản phát triển bền vững đang là vấn đề đặt ra trong bối cảnh Việt Nam gia nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, nhất là trong năm 2015, dự kiến có hàng loạt hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết, bên cạnh việc cần chủ động tận dụng tối ưu những cơ hội mới mang lại thì cần có những biện pháp để chủ động ứng phó khi hoạt động thương mại trong nước sẽ đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt, cũng như khi hàng rào thuế quan giảm.

Các doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng việc hình thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Để khắc phục khó khăn trong xuất khẩu hàng nông sản, khi thị trường xuất khẩu mặt hàng này có xu hướng bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng và giá cả dẫn tới kim ngạch sụt giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát diễn biến thị trường; tích cực mở rộng thị trường theo hướng đa phương hoá, phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng; đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu xây dựng thị trường chiến lược.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tập trung đến các quy định và thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu thủy sản, từ nuôi, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, đến chế biến xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian kiểm dịch, thời gian thẩm tra Giấy chứng nhận thủy sản khai thác.

Các bộ, ngành hữu quan cần quan tâm và chủ động hơn nữa trong quá trình đàm phán, rà soát nhằm đảm bảo tối đa hóa các thuận lợi và sự phù hợp đối với các sản phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung. Tăng cường thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả và kịp thời, nhằm góp phần đảm bảo giá cước, các loại phí dịch vụ của các hãng vận tải thành phù hợp các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường thế giới sâu sắc hơn nữa để kịp thời đưa ra những khuyến nghị nhằm hỗ trợ cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là về tình hình cung - cầu, giá cả các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo ra điều kiện cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập tốt hơn vào thị trường thế giới. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trước mắt, cần hướng vào những sản phẩm đặc sản nổi tiếng theo vùng địa lý.

Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển sản xuất và xuất khẩu nông sản một cách bài bản, bảo đảm cho xuất khẩu nông sản Việt Nam ở thế chủ động hướng về xuất khẩu. Tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng nông sản một cách tự phát, gây thiệt hại cho người sản xuất như tình trạng ùn tắc cục bộ xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc những ngày vừa qua.

Mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản sang các thị trường như Nga, Đông Âu, Trung Đông,… nhằm giảm bớt rủi ro về biến động giá cả cũng như nhu cầu. Thực tế cho thấy, không nên quá tập trung vào những thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, tuy đây là những thị trường có sức mua cao, nhưng rất khó tiếp cận vì tính cạnh tranh cao, yêu cầu khắt khe cũng như các biện pháp bảo hộ…/.