Cải thiện môi trường kinh doanh:

Cần quyết liệt từ chính sách đến thực thi

Tuấn Dũng

(Taichinh) - Với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang có những bước cải thiện rõ rệt nhờ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, các thể chế kinh tế thị trường, rút ngắn thời gian khai nộp thuế, thông quan..

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những đòi hỏi cải cách

Trong 2 năm 2014 - 2015, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết số 19/NQ-CP (trong tháng 3/2014 và 3/2015) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với những chỉ tiêu và biện pháp rất cụ thể. Trong đó đặc biệt là các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, đầu tư...

Với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang có những bước cải thiện rõ rệt nhờ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, các thể chế kinh tế thị trường, rút ngắn thời gian khai nộp thuế, thông quan; giảm mức thuế, lãi suất và nới lỏng hạn mức, điều kiện tín dụng, cùng với sự giảm nhẹ áp lực nợ xấu và gia tăng ổn định hệ thống ngân hàng; tăng cường thông tin định hướng, cải thiện chất lượng dịch vụ công; thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN); phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kế quả đạt được, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những hạn chế đòi hỏi phải tiếp tục được cải thiện. Trong lĩnh vực pháp lý về kinh doanh, dù có những bước cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật vẫn chưa đạt yêu cầu, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn các luật còn khá phổ biến trong khi nhiều quy định pháp luật, nhất là các thông tư còn thiếu tính khả thi, không đồng bộ và còn chồng chéo, tổ chức triển khai còn chậm.

TS. Phạm Ngọc Long, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đã nêu ra một số bất cập trong chính sách đối với doanh nghiệp, trong đó đa số là các DNNVV: Khung pháp lý về DNNVV chưa thực hoàn chỉnh, chưa tập trung đồng bộ mà nằm rải rác ở nhiều văn bản luật liên quan dẫn đến quy định chồng chéo, kém hiệu lực.

Bên cạnh đó, hệ thống các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV khá nhiều, nhưng tản mạn, chắp vá, chồng chéo, kém khả thi. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới hơn 80 chính sách thuộc các bộ, ban ngành trung ương về trợ giúp phát triển DNNVV từ sau Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, nhưng nằm phân tán ở các bộ, ban ngành trung ương và địa phương khác nhau, với nguồn lực hạn hẹp nên khả năng đáp ứng khó khăn, hiệu quả có thể đánh giá định lượng được của không ít chính sách là nan giải.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, có tới 5.585 điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có tới hàng ngàn điều kiện được ban hành trái thẩm quyền.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đang lo ngại về sự thiếu minh bạch trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Mặc dù môi trường đầu tư đang được cải thiện nhưng tiêu chí hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Chẳng hạn, xếp hạng về thể chế trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014 - 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm môi trường kinh doanh trong nước xấu đi. Tham nhũng là vấn đề nhức nhối trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, thể hiện qua xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế; theo đó, Việt Nam xếp thứ 119 trên 175 nền kinh tế, có điểm số 31 trên 100 điểm.

Quyết liệt trong thực thi

Để thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản, thông báo, phân công đầu việc cụ thể cho từng bộ, ngành. Điều đó cho thấy quyết tâm cải cách, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam tiến kịp các nước trong khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI khuyến nghị, cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu bức thiết hàng đầu hiện nay để Việt Nam thoát khỏi vùng đáy và sẵn sàng bước vào giai đoạn hội nhập sâu hơn. Nếu không thay đổi, không cải thiện được môi trường kinh doanh thì chúng ta sẽ bị gạt ra khỏi sân chơi hội nhập. Tinh thần then chốt vẫn là phải biến lời nói thành hành động, nghiêm túc thực thi chính sách thì mới cải thiện được môi trường kinh doanh.

Thời gian qua, Việt Nam vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với hệ thống pháp luật đồng bộ từ Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với tính thần đổi mới, cải cách việc xây dựng pháp luật trong thời gian qua, những luật này sẽ đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế đất nước.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thủ tục hành chính chỉ là một bộ phận nhỏ của nền hành chính, bên cạnh đó còn thể chế hành chính, bộ máy con người. Cải cách môi trường kinh doanh, cần có sự cải cách đồng bộ những yếu tố này.

Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi chính sách, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư liên quan đến nhiều vấn đề về thể chế, lao động, văn hóa, đạo đức, trong đó, cần đặc biệt lưu ý về thể chế và tổ chức thực hiện. Thời gian tới, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp. Theo TS. Trần Du Lịch, trong điều kiện nước ta hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tùy thuộc vào 3 nhân tố: Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Cần tái cấu trúc lực lượng DNNN để tập trung nguồn vốn nhà nước đang nắm giữ cho mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của DNNN hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất, cần có luật cổ phần hóa, không để tài sản nhà nước thất thoát quá nhiều. Quốc hội cần giám sát chặt chẽ xem khối tài sản khổng lồ các DNNN nắm giữ, thực chất cũng là tài sản của dân khi cổ phần hóa sẽ như thế nào.