Cần tăng cường niềm tin của nhân dân vào tiền đồng

Theo NĐB

Theo Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, giải pháp siết chặt thị trường ngoại tệ hiện nay mới chỉ là giải pháp tình thế. Cần có lộ trình và hệ thống giải pháp tổng thể để giải quyết nhu cầu ngoại tệ. Đặc biệt phải có cơ chế bảo đảm người dân giữ VNĐ sẽ được bảo toàn.

- Thị trường ngoại tệ tự do (thị trường chợ đen) đang được Ngân hàng Nhà nước cũng như cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Các giao dịch đã không còn sôi động nhiều ngày qua. Tổng thư ký bình luận gì về động thái này?

- Hiện các cơ quan quản lý siết chặt thị trường chợ đen, nhưng theo tôi đây chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế cần những giải pháp khác nữa, trong đó, gốc của vấn đề là giải quyết tốt, nhanh, thuận lợi nhu cầu của người dân và doanh nghịêp, trong đó có nhu cầu đi du học, đi chữa bệnh ở nước ngoài và nhiều nhu cầu chính đáng khác. Bên cạnh đó, biện pháp quan trọng là để người dân tin vào tiền VNĐ, nghĩa là có cơ chế bảo đảm người dân giữ tiền sẽ được bảo toàn. Nếu không giải quyết được cái gốc của vấn đề này, người dân sẽ vẫn tìm đến các biện pháp trú ẩn khác ngoài tiền đồng hoặc có những giao dịch ngầm.

- Tổng thư ký có cho rằng, chúng ta cần khéo léo và cẩn trọng, vì biện pháp hành chính nếu siết quá chặt có khi lại không mang lại hiệu quả. Nhất là nếu siết chặt thị trường vàng, ngoại tệ, có thể tiền sẽ đổ sang bất động sản?

- Theo thông lệ quốc tế, quản lý các dòng tiền nhàn rỗi phải có cả một hệ thống giải pháp để tiền đi vào ngân hàng và chứng khoán, chứ không để chảy vào USD hay bất động sản. Các nước cho phép kinh doanh, nhưng nhà đầu tư phải chịu nhiều loại thuế ngoài thuế thông thường. Như thế sẽ ngăn ngừa được dòng tiền chảy vào bất động sản. Có thể nói đến nay, dòng tiền nhàn rỗi của chúng ta chưa được quản lý chặt, nên mới có hiện tượng chuyển vào các lĩnh vực nhạy cảm là vàng, ngoại tệ hay bất động sản. Từng bước chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của thế giới để điều chỉnh dòng tiền. Khi VNĐ ổn định, sẽ giải quyết được cả vấn đề dòng tiền, giải quyết được cả vấn đề lãi suất huy động và cho vay đang cao.

- Những động thái tích cực của Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa rồi là siết chặt giao dịch ngoại tệ tự do và tiến đến cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Định hướng chính sách này theo Tổng thư ký liệu có khả thi không?

- Đây là những biện pháp đúng trong bối cảnh hiện nay. Tất nhiên để quản lý được thị trường ngoại hối tự do cũng như cấm kinh doanh vàng miếng thì cần có lộ trình và kèm theo là hệ thống giải pháp tổng thể. Còn trông chờ vào những giải pháp hành chính hay tạm thời như hiện nay thì rất khó để đạt được mục tiêu chính sách.

- Việc huy động vàng miếng ở thị trường tự do sẽ ra sao trong trường hợp cấm giao dịch trên thị trường tự do, vì không dễ gì người dân bán vàng miếng cho ngân hàng trong khi tâm lý bảo toàn vốn đã tồn tại từ lâu, thưa Tổng thư ký?

- Không cho kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, đồng thời không cấm người dân sở hữu là hợp lý. Khi người dân cần tiền thì có thể bán cho Ngân hàng Nhà nước theo giá thế giới. Thế nhưng, để biện pháp này khả thi, cần đưa ra quy định về kinh doanh vàng nữ trang để tránh chuyện biến tướng từ vàng nữ trang thành vàng miếng, hoặc tránh việc chuyển từ trữ vàng sang ngoại tệ ở thị trường chợ đen.

- Định hướng của Ngân hàng Nhà nước tiến tới là những đơn vị nào có nguồn thu về ngoại tệ thì mới được vay, hoặc mua với điều kiện pháp luật quy định. Tổng thư ký đánh giá thế nào về định hướng này?

- Chúng ta phải hướng đến thông lệ thế giới, không cho phép người dân tự do sở hữu và kinh doanh ngoại tệ. Thái Lan, Singapore hay một số nước đã làm tốt điều này. Do đó đây là việc làm cần thiết. Song điểm cần lưu ý là trước lạm phát, tỷ giá biến động, phải có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền. Nếu tiền đồng bất ổn, thì người dân sẽ lo lắng về sự mất giá của tiền cũng như tài sản, và sẽ tìm những nơi trú ẩn khác, trong đó có ngoại tệ.

- Xin cám ơn Tổng thư ký !