Cần tạo cơ hội phát triển cho đại lý thuế

Phạm Minh Kiên - Phó Cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên Huế

TCTC Online - Sau gần 5 năm luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành đã tạo những chuyển biến tích cực trong quản lý thu thuế, từng bước đáp ứng các yêu cầu đề ra của công cuộc cải cách hiện đại hóa ngành thuế theo từng giai đoạn; hiệu quả, hiệu lực quản lý thu thuế ngày càng được nâng cao, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, người thu thuế và các bên có liên quan được xác lập rõ ràng.

Có thể nói rằng đây là bước tiến rất căn bản trong quản lý Nhà nước về thuế, cùng với việc hiện đại hoá quản lý thu thuế trong những năm qua đã và đang tác động tích cực vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống kinh tế xã hội theo hướng rõ ràng, minh bạch hiệu quả, phù hợp với cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những mặt làm được đã đóng góp rất tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách; giảm thiểu phiền hà, tiêu cực trong quản lý thu thuế, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT).

Nhưng nhìn chung DN nước ta hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, thị trường nhỏ hẹp; để làm ăn có hiệu quả đòi hỏi phải tối thiểu hoá chi phí, trong đó chi phí về thực hiện các thủ tục về thuế như: đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế; thực hiện các thủ tục về hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế và các thủ tục hành chính thuế khác; công tác kế toán nói chung, kế toán thuế nói riêng phải được giảm thiểu.

Nền kinh tế thị trường đòi hỏi các dịch vụ, trong đó có dịch vụ về thuế ngày càng phát triển, có như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu đa dạng, phong phú của tổ chức và người nộp thu

Tại điều 6 điểm 5 Luật quản lý thuế qui định Quyền của người nộp thuế: “ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế”.

Ngày 03/04/2008 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2008/TT-BTC hưỡng dẫn về hành nghề dịch vụ đại lý thuế, nhưng cho đến nay số lượng tổ chức làm dịch vụ đại lý thuế phát triển rất chậm, chủ yếu tập trung vào thành phố lớn như Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại các tỉnh, thành phố khác hầu như chưa có.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo chúng tôi nguyên nhân chủ yếu là:

Một là, dịch vụ làm thủ tục về thuế còn quá mới mẻ tại Việt Nam, trên thực tế thì dịch vụ này đã phát triển từ lâu, nhưng mang tính tự phát dưới dạng DN thuê người làm kế toán, khai thuế theo vụ việc, công việc kiêm nhiệm, chi phí thấp; không có pháp lý ràng buộc; Chủ DN chịu mọi rủi ro, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý trước pháp luật Nhà nước.

Hai là, DN Việt Nam hầu hết là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ năng lực tài chính yếu, nhận thức về pháp luật nói chung, pháp luật thuế nói riêng nhìn chung rất hạn chế. 

Ba là, Chất lượng dịch vụ về tài chính, tín dụng, thuế khoá còn hạn chế, hiệu quả thấp, chi phí cao; Thông tin về DN thường dễ bị rò rỉ ra ngoài dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, trong khi pháp luật bảo vệ bí mật thông tin chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến hậu quả thiệt hại cho DN là khôn lường.

Bốn là, Ngành Thuế chưa thực sự coi trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ để phát triển hệ thống đại lý thuế ở các địa phương; công việc thi tuyển cấp chứng chỉ hành nghề làm thủ tục về thuế cho các nhân viên làm đại lý thuế chưa được thuận lợi, chủ yếu được thực hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nên chi phí để thi tuyển khá cao, nhất là đối với những người ở địa bàn xa ở các tỉnh lẻ.

Ngày 19/7/2012 Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư số 117/2012/TT-BTC hướng dẫn hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế thay thế thông tư số 28/2008/TT-BTC ngày 03/4/2008; nội dung Thông tư đã khắc phục những hạn chế, tạo thuận lợi cho đại lý thuế, những người hành nghề đại lý thuế; qui định rõ quyền và trách nhiệm của nhân viên đại lý thuế; trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp; Tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế,…

Để triển khai thực hiện tốt thông tư 117 nói trên, khắc phục những tồn tại, nguyên nhân của nó theo chúng tôi cần có những giải pháp cơ bản sau:

1/Ngành thuế cần tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ, nhất là các DN làm dịch vụ về kế toán, dịch vụ thuế trong việc cung cấp thông tin, cung cấp các công cụ hỗ trợ dịch vụ làm thủ tục về thuế.

2/ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng miễn phí cho tổ chức cá nhân có nguyện vọng, nhu cầu hành nghề làm đại lý thuế; giúp họ nắm vững kiến thức về thuế, về kế toán để tham gia thi tuyển đạt kết quả tốt nhất.

3/Phải tuyên truyền nhận thức cho chủ DN hiểu sự cần thiết, lợi ích của việc thực hiện các thủ tục về thuế thông qua đại lý thuế; củng cố lòng tin cho DN trong việc đảm bảo bí mật thông tin, tiện ích thuận lợi, tiết kiệm chi phí khi sử dụng dịch vụ này.

4/ Đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, không gian, chi phí cho DN, cũng như đại lý thuế, những người làm đại lý thuế; nghiên cứu hình thức thi qua mạng,…

5/ Nên mở rộng nhiều địa điểm thi tuyển, nhằm giúp những người có nguyện vọng làm nhân viên đại lý thuế, thành lập đại lý thuế, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại thời gian thi tuyển,…Tạo ra nguồn nhân lực lớn trong xã hội (hiện nay số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành kinh tế, luật kinh tế rất lớn).

Chúng tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực quyết tâm của ngành thuế, cộng đồng DN, các tổ chức cá nhân hệ thống đại lý thuế ngày càng phát triển và trở thành dịch vụ tất yếu trong nền kinh tế thị trường, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả SXKD của DN cũng như cơ quan quản lý thuế.