Cần thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại, Bộ Công Thương

TCTC Online - Trong tình hình khó khăn của doanh nghiệp năm 2012, bên cạnh việc quyết tâm thực hiện Nghị quyết 13/NQ - CP của Chính phủ, các cấp ngành cần triển khai thêm nhiều giải pháp khác nhằm gỡ khó cục bộ cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp.

Tình hình kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2011 đến nay

Nền kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2011 đến nay đã tăng trưởng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 chỉ đạt 5,89% (mức rất thấp trong nhiều năm, chỉ cao hơn năm 2009 là năm bị tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới), trong khi chỉ số CPI lên đến 18,13% (mức rất cao trong khu vực và trên thế giới). Lạm phát cao trước hết do trong nhiều năm, chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng đã được duy trì nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ - CP với chính sách tiền tệ thắt chặt và cắt giảm mạnh đầu tư công. Kết quả, từ giữa năm 2011 tốc độ tăng CPI bắt đầu chậm lại, tỷ giá VND/USD hạ nhiệt và duy trì ở mức ổn định.

Năm 2012, cuộc chiến chống lạm phát tiếp tục được thực hiện với Nghị quyết 01/NQ - CP ngày 5/1/2012 của Chính phủ và đã đạt kết quả khả quan. Trong 5 tháng đầu năm 2012, chỉ số CPI chỉ còn 2,78%. Đặc biệt, các tháng 3, 4 và 5/2012, chỉ số CPI chỉ còn tương ứng 0,16%, 0,05% và 0,18%.

Tuy nhiên, do chính sách tiền tệ bị siết chặt, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán giảm mạnh, từ trung bình 30% các năm 2007-2010 xuống chỉ còn 10% năm 2011 và quý I/2012 là 2%. Tăng trưởng tín dụng cũng giảm mạnh từ 27,7% đến 51,4% giai đoạn 2007-2010 xuống còn 13% năm 2011, 4 tháng đầu năm 2012 thậm chí tăng trưởng âm (-1,71%). Ngoài ra, mặc dù lạm phát đã có xu hướng giảm mạnh và lãi suất huy động đã bị buộc phải hạ từ 14% xuống 11% trong 5 tháng đầu năm 2012, song lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn ở mức khá cao, gây khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế đã xuất hiện dấu hiệu đình đốn trong những tháng đầu năm 2012. Tăng trưởng GDP quý I/2012 đạt 4%, mức rất thấp trong nhiều năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của năm 2010 và 2011 (tương ứng là 8,7% và 9,2%).

 Những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2011 có 53 nghìn doanh nghiệp (DN) giải thể và ngừng hoạt động. Trong 5 tháng đầu năm 2012, có thêm 17,7 nghìn DN giải thể và ngừng hoạt động (tăng 9,5% so với cùng kỳ 2011), trong khi đó, chỉ có 24 nghìn DN được thành lập mới với tổng vốn đăng ký 130 nghìn tỷ đồng (giảm 10,5% về số DN, 14,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2011). Như vậy, số DN giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh đồng thời với việc số DN thành lập mới giảm mạnh. Đây là một hiện tượng bất thường chưa từng xảy ra đối với kinh tế Việt Nam, kể cả trong giai đọan khủng hỏang tài chính châu Á 1996-1997 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. DN gặp khó khăn trong tình hình hiện nay do các nguyên nhân chính sau:

Chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao

Thứ nhất, chi phí vốn tăng mạnh do lãi suất cao. Đối với phần lớn DN Việt Nam, tỷ trọng vay ngân hàng trong tổng vốn huy động rất cao. Trong khi đó, năm 2011 lãi suất cho vay của ngân hàng duy trì ở mức rất cao (20-25%), khiến chi phí vốn vựơt quá sức chịu đựng của DN. Từ tháng 2/2012, Ngân hàng Nhà nước, bằng biện pháp hành chính, liên tục "ép" lãi suất huy động xuống 14%, 13%, 12%, và gần đây nhất (ngày 28/5/2012) là 11%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay hiện tại phổ biến ở mức 17-18%, vẫn khá cao đối với DN.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa rủi ro trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các ngân hàng thương mại đưa ra điều kiện cho vay rất chặt chẽ (như DN phải trả hết nợ cũ, phải có đủ tài sản thế chấp, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và phương án kinh doanh hiệu quả), khiến DN càng khó tiếp cận vốn. Kết quả là trong khi DN thiếu vốn để sản xuất kinh doanh thì các ngân hàng bị đóng băng vốn. Đó là lý do vì sao dư nợ tín dụng 4 tháng đầu năm 2012 bị âm.

Thứ hai, chi phí các đầu vào khác (điện, nước, xăng dầu, ga, vận tải, kho bãi, lương lao động) đều tăng mạnh trong năm 2011 và tiếp tục tăng những tháng đầu năm 2012. Năm 2011 xăng dầu tăng giá 2 lần và 4 tháng đầu năm 2012 tăng tiếp 2 lần, tổng cộng lên khỏang 45%. Giá điện bình quân tăng 2 lần trong năm 2011 lên tổng cộng khoảng 21%.

Đầu ra bị ách tắc

Chỉ số tồn kho hàng công nghiệp chế biến quý I/2012 tăng cao bất thường, lên đến 34,9% so với cùng kỳ 2011. Tuy chỉ số này có xu hướng giảm dần, xuống 32,1% tháng 4/2012 và 29,4% tháng 5/2012, song vẫn rất cao so với mức hợp lý 12- 15%. Điều đó cho thấy hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất chậm.

N xấu của doanh nghiệp tại ngân hàng tăng mạnh

Theo công bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của tòan bộ hệ thống ngân hàng tăng từ 3,2% tháng 1/2012 lên 3,6% tháng 4/2012. Song theo đánh giá của nhiều tổ chức nghiên cứu khác, tỷ lệ nợ xấu thực sự cao hơn nhiều con số đó. Chẳng hạn, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển) ước lượng tỷ lệ nợ xấu từ 8,25% đến 14,01%, chưa tính đến nợ xấu của Vinashin (ước tính khoảng 100 nghìn tỷ đồng).

Nợ xấu tăng mạnh do các nguyên nhân chính sau: DN không bán được hàng, do vậy không thu hồi được vốn để trả nợ vay ngân hàng trước đó (từ đó DN mới có thể vay tiếp) cũng như để trả lương lao động và đầu tư tái sản xuất. Thứ hai, một lượng lớn nợ xấu nằm trong lĩnh vực bất động sản hiện đang bị đóng băng. Thứ ba, tình trạng nợ chéo (các DN nợ lẫn nhau) càng làm vấn đề càng khó xử lý.

Biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp được các chính phủ thường dùng

Khi nền kinh tế trong tình trạng trì trệ, Chính phủ - với vai trò là người quản lý và điều phối nền kinh tế đồng thời là người nắm giữ các nguồn lực quốc gia từ thu thuế của người dân và DN - thường đứng ra thực hiện các giải pháp chống suy giảm và kích thích nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Các biện pháp mà nhiều chính phủ thường sử dụng trong trường hợp này là sự kết hợp của một số hoặc toàn bộ các cách sau.

- Kích cầu tiêu dùng để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức: Hỗ trợ cho vay cá nhân tiêu dùng; Giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ đối với để kích thích tiêu dùng.

- Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua các hình thức: Mở rộng đầu tư công (đặc biệt là đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở lớn); Tăng chi tiêu công cho mua sắm của Chính phủ.

- Hỗ trợ xuất khẩu thông qua các hình thức: Hỗ trợ lãi suất cho DN xuất khẩu vay với lãi suất ưu đãi; Hỗ trợ tín dụng, ưu tiên tín dụng cho các DN xuất khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu; Hỗ trợ xúc tiến thương mại; Đơn giản hóa thủ tục xuất và nhập khẩu. Điều hành tỷ giá theo hướng khuyến khích nhập khẩu (thường là phá giá đồng nội tệ)

- Hỗ trợ DN thông qua các hình thức: Miễn, giảm, giãn nộp thuế cho DN (thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng). Tạo điều kiện tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các nguồn vốn. Hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường.

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, Chính phủ hàng loạt nước trên thế giới đã sử dụng nhiều biện pháp kích thích kinh tế với quy mô khác nhau nhằm đưa nền kinh tế vượt qua giai đọan suy thoái và Việt Nam cũng đã thành công với gói kích cầu năm 2009, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, bối cảnh năm 2012 có nhiều điểm khác so năm 2009.

Thứ nhất, nguồn lực của Nhà nước năm 2012 không còn được như năm 2009, do nền kinh tế tăng trưởng tương đối thấp trong 3 năm vừa qua (tương ứng là 5,32%, 6,78% và 5,89% năm 2009, 2010 và 2011).

Thứ hai, tình trạng của năm 2009 là suy giảm kinh tế và thiểu phát do tác động bên ngoài từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên hướng xử lý chính là kích cầu tiêu dùng và kích thích sản xuất. Năm 2012, các khó khăn xuất phát chủ yếu từ trong nước dẫn đến tình trạng đình trệ - lạm phát, tức là nền kinh tế bị đình đốn trong khi lạm phát vẫn chưa hoàn toàn được kiềm chế. Do đó, một gói kích thích kinh tế tương tự như năm 2009 vào thời điểm hiện nay sẽ khiến lạm phát có thể bùng phát trở lại.

Do vậy, trong hoàn cảnh cụ thể của năm 2012 cần áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế khác năm 2009.

Một số giải pháp, đề xuất

Việc chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ - CP ngày 10/5/2012  về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường là rất cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, để nhóm giải pháp này phát huy tác dụng, cần triển khai thêm các chính sách sau đây:

Thứ nhất, xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hiện nay DN khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng là nhiều DN do không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra nên không có tiền để trả nợ vay cũ, do vậy không được ngân hàng cho vay tiếp. Một trong những biện pháp hiệu quả được nhiều nước áp dụng là mua lại nợ xấu của DN.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện chưa hình thành được thị trường mua bán nợ xấu thực sự như ở các nền kinh tế phát triển, Chính phủ cần đứng ra mua lại nợ xấu của các DN còn khả năng sản xuất - kinh doanh, giúp DN tiếp cận được vốn vay ngân hàng để tiếp tục sản xuất - kinh doanh.

Thứ hai, có biện pháp kích cầu tiêu dùng hợp lý giúp DN tiêu thụ sản phẩm. Các giải pháp mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra gần đây chủ yếu để hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Song khó khăn của DN hiện nay không chỉ là vốn mà còn là khó tiêu thụ sản phẩm do sức mua quá yếu. Do vậy, cần có biện pháp kích cầu tiêu dùng để vừa giúp DN tiêu thụ sản phẩm trong khi vẫn ngăn ngừa lạm phát trở lại. Cụ thể, cần một chiến dịch tuyên truyền người dân dùng hàng nội, kết hợp với cơ chế khuyến khích DN đưa hàng về nông thôn như trợ giá, trợ cước... một số tổ chức tín dụng nên có cơ chế cho vay tiêu dùng hợp lý, nhằm giải quyết khó khăn cho DN.

Thứ ba, tập trung giải quyết thanh khoản trên thị trường bất động sản, nhằm gỡ khó cho các ngành khác. Thực tế, việc thị trường bất động sản sụt giảm thời gian qua là một tín hiệu đáng mừng khi giá nhà đất đã bớt trạng thái bong bóng. Tuy nhiên, việc thị trường đóng băng tại hầu hết các phân khúc, thanh khoản sụt giảm xuống mức gần như không có giao dịch suốt một thời gian dài đã không chỉ thì một mình các DN ngành bất động sản lao đao. Kéo theo khó khăn của các DN bất động sản là các DN sản xuất vật liệu xây dựng hộ lớn: Thép, xi măng, vật liệu xây dựng và các DN xây dựng, xây lắp. Một trong những biện pháp „phá băng“ hợp lý là cho vay cá nhân để mua nhà đối với những người có nhu cầu thực. Thực hiện tốt biện pháp này sẽ giúp thị trường bất động sản giao dịch trở lại, từ đó giúp xử lý một tỷ lệ lớn nợ xấu đang nằm trong lĩnh vực này. Thị trường bất động sản hồi phục trở lại sẽ kéo theo sự hồi phục của hàng loạt ngành sản xuất quan trọng khác như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.

Thứ tư, tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh năng động hơn. Các giải pháp của Chính phủ cũng như các đề xuất nêu trên chủ yếu mang tính ngắn hạn và tình thế, nhằm kịp thời giúp đỡ DN vượt qua giai đọan khó khăn hiện nay.

Để thực sự hỗ trợ DN một cách căn bản, cần các giải pháp mang tính tổng thể và dài hạn. Đó là cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh mới, có khả năng thu hút và tạo ra các nguồn lực đầu tư mới và lực lượng DN mới năng động hơn, cạnh tranh, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn.