Cần thêm xung lực để thúc đẩy đầu tư

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2015 đã đạt một số kết quả tích cực, trong đó tiến độ thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước so với kế hoạch cả năm cao hơn tỷ lệ chung, đạt được ở Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành phố là Cà Mau, Kiên Giang, Nghệ An, Đồng Tháp, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, An Giang, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Nam, Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư 2 tháng đầu năm 2015 đạt cao có Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bắc Ninh, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Kiên Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá,…

Cần thêm xung lực để thúc đẩy đầu tư
Đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2015 đã đạt một số kết quả tích cực. Nguồn: internet
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới 2 tháng đầu năm tuy giảm 14,2% về lượng, nhưng tăng khá (21,3%) về số dự án, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 19,8%); tiếp đến là kinh doanh bất động sản (chiếm 9,3%); các ngành còn lại chiếm 10,9%. Trong 2 tháng đã có 27 nước và vùng lãnh thổ có dự án FDI được cấp mới vào Việt Nam, nhiều nhất là quần đảo Virgin thuộc Anh, tiếp đến là Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan,… Trong số  20 tỉnh, TP tiếp nhận  dự án FDI 2 tháng đầu năm, đứng đầu là TP HCM  (chiếm 59,2%), tiếp đến là Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bình Dương, Thanh Hoá, Hà Nội, Hưng Yên.
 
Về vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm ước đạt 1200 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng khá, là tín hiệu để cả năm có thể đạt kỷ lục mới về thực hiện FDI (kỷ lục đạt được trong năm trước là 12350 triệu USD), phù hợp với trào lưu tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài để tranh thủ cơ hội khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định hợp tác quốc tế.
 
Cũng trong 2 tháng, vốn đầu tư của khu vực DN có chuyển biến tích cực. Trong tháng 2, cả nước có 6899 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký tăng 44,6%, số vốn bình quân 1 DN tăng 43,5% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, có 13766 DN  đăng ký mới, với tổng số vốn đăng ký tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có một số ngành, lĩnh vực  số vốn đăng ký mới còn tăng với tốc độ cao hơn như nghệ thuật, vui chơi giải trí, kinh doanh bất động sản, nông, lâm nghiệp - thuỷ sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, giáo dục đào tạo, vận tải kho bãi, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác, thông tin truyền thông, công nghệ chế biến. Đặc biệt, số DN quay trở lại thị trường đạt 4376 đơn vị, nâng tổng số DN mới trong 2 tháng lên con số 18.142, cao hơn số DN hoàn thành thủ tục giải thể (2055) và số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động (14040).
 
Tuy nhiên, về vốn đầu tư trong 2 tháng đầu n.ăm cũng còn những hạn chế, trước hết là vốn đầu tư từ ngân sách còn đạt thấp so với kế hoạch năm (mới đạt 11%) và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (1,6%), trong đó một số bộ/ngành, lĩnh vực còn đạt thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước. Thu thút vốn FDI giảm mạnh về vốn đăng ký (22,6%) trong đó đăng ký mới giảm 14,3%. Đáng lưu ý, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2055, tăng 8,7%; số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động lên tới 14040, tăng 25%. 
 
Trong điều kiện CPI giảm tháng thứ tư liên tiếp, nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu rộng, thì để thúc đẩy tăng trưởng, cần phải tăng xung lực mới cho đầu tư phát triển. Đồng nghĩa, cần phải tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn thông qua mở rộng các kênh huy động như chứng khoán, tín dụng và bảo hiểm. Ngoài ra, cần nới lỏng chính sách tiền tệ trên cơ sở hạ tiếp lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sớm từ đầu năm, đẩy nhanh việc giải quyết nợ xấu để khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế