Cẩn trọng với lạm phát

Theo Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn

Lạm phát 4% là khả thi nhưng rủi ro lạm phát cao hơn 4% là vẫn có...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cẩn trọng không thừa

Nhờ các nỗ lực nhất quán và kiên trì tập trung ổn định KTVM trong nước cùng với bối cảnh khách quan bên ngoài thuận lợi (đặc biệt là giá dầu mỏ và các hàng hóa cơ bản khác ở mức thấp), lạm phát trong hơn 4 năm vừa qua luôn được kiểm soát ở mức thấp và trong mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh giá dầu mỏ tăng mạnh gần đây và những bất ổn bên ngoài gia tăng, cùng với đó là những vấn đề nội tại cần tiếp tục được giải quyết, các chuyên gia cho rằng việc chủ động đối phó với lạm phát là điều cần thiết ngay từ những ngày đầu của năm 2018.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) trong báo cáo tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018 cũng nhận định, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương năm trước (dưới 4%).

Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ điều chỉnh giá dịch vụ công và giá thực phẩm, nhất là nếu giá điện tăng mạnh. Cụ thể, cơ quan này ước tính nếu giá điện tăng 8-10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1-0,15 điểm %.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP cũng là yếu tố có thể tác động đến lạm phát. Với dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt khoảng 6,5-6,8%, UBGSTCQG cho rằng: “6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát; tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây ra áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018”.

Cũng theo UBGSTCQG, yếu tố giá hàng hóa thế giới sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát do dự báo giá hàng hóa thế giới năm 2018 sẽ ít biến động so với năm 2017 và giá dầu bình quân dự báo chỉ tăng nhẹ khoảng 6% so với năm 2017. Mặt khác, dù FED dự kiến tiếp tục tăng lãi suất song dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định như năm 2017, vì vậy tác động của yếu tố tỷ giá đến lạm phát cũng sẽ không quá lớn (ước tính nếu tỷ giá USD/VND tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng thêm 0,17 điểm %).

Cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ công 

Tuy nhiên, diễn biến thị trường thế giới vẫn là một ẩn số. Đơn cử với diễn biến giá dầu mỏ, giá dầu Brent thế giới bình quân tháng 1/2018 đã ở mức sát 70 USD/thùng, tăng gần 8% so tháng 12/2017 và tăng tới gần 60% so với thời điểm tháng 6/2017. Trong quá khứ biến động tăng hay giảm của giá dầu thường có tác động rất lớn đến lạm phát ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu thô tiếp tục đà tăng mạnh. Như chuyên gia Terry Reilly, thuộc công ty môi giới Futures International nhận định gần đây: “Đã kết thúc thời kỳ giá cả các nguyên vật liệu thấp bởi năm 2018, các quỹ đầu tư sẽ hướng đến các loại hàng hóa này, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ”.

Tại Việt Nam, thực tế diễn biến lạm phát tháng 1 vừa qua cũng cho thấy xu thế này. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, với 10/11 nhóm hàng tăng giá, chỉ số CPI tháng 1/2018 đã tăng 0,51% so với tháng trước và tăng tới 2,65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, mục tiêu kiểm soát CPI năm 2018 ở mức 4% là khả thi. Nhưng để kiểm soát CPI thành công, cần triển khai đồng bộ các giải pháp điều tiết ngay từ đầu năm gắn với việc tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định KTVM.

Trong đó, một giải pháp “không bao giờ cũ” trong công tác điều tiết giá là đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên cả nước trong mọi tình huống và mọi thời điểm, tránh tình trạng thiếu hàng dẫn đến “sốt giá”.

Trong khi đó theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, mặc dù triển vọng kinh tế năm nay – trên nền tảng đã tốt của năm 2017 – là tích cực nhưng rủi ro lạm phát cao hơn 4% là vẫn có. Điều này một phần vì dù kinh tế thế giới được nhìn nhận tích cực hơn nhưng cũng còn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó tại Việt Nam, lạm phát năm 2018 có thể chịu áp lực từ giá thực phẩm phục hồi (từ sự sụt giảm mạnh trong năm 2017) trong khi tiếp tục có các điều chỉnh về giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện…

Báo cáo KTVM mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, việc cán cân thanh toán tổng thể thặng dư (3,4% GDP) đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn trong năm 2017. “DTNH cao giúp NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, điều này tiếp tục đặt ra thách thức cho NHNN trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định KTVM trong thời gian tới”, báo cáo này nhận định. Đi cùng với nhận định này, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6,65% nhưng lạm phát bình quân cũng có thể cao hơn mục tiêu, ở mức 4,31%.

Trong bối cảnh như vậy, các chuyên gia cho rằng cần rất quyết liệt ngay từ đầu năm để giữ được mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm nay. Trong đó, một mặt cần chủ động dự báo và có các giải pháp để đối phó với những tác động từ các yếu tố bên ngoài (đặc biệt là giá dầu tăng), mặt khác với thị trường trong nước, cần đặc biệt cân nhắc về thời điểm điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục… cho phù hợp, tránh gây tác động cộng hưởng và tăng giá do tâm lý “té nước theo mưa”.

Cùng với đó, việc phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo mục tiêu tăng cường ổn định KTVM, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý cũng là dù không mới nhưng vẫn luôn quan trọng.