Cần ưu tiên thu hút các tập đoàn lớn

Theo Báo Hải quan

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chia sẻ về định hướng gia tăng việc chuyển giao công nghệ, tạo ra sự lan tỏa trong thu hút FDI thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đa phần là doanh nghiệp (DN) FDI vào Việt Nam thời gian qua DN nhỏ và vừa. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đã ảnh hưởng đến việc chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Cần ưu tiên thu hút các tập đoàn lớn - Ảnh 1
TS. Trần Đình Thiên,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Đúng vậy! Có hai cách để chúng ta tiến lên về mặt công nghệ. Một là nhập công nghệ phù hợp với tình hình đất nước. Cách này khiến cho sự phát triển công nghệ khá chậm và có thể không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hai là muốn có giải pháp công nghệ tốt như một chiến lược để đuổi kịp các quốc gia phát triển khác, chúng ta cần thu hút các tập đoàn nước ngoài lớn.

Họ không chỉ có năng lực tài chính mà có năng lực công nghệ được thực thi rất cao theo một chuỗi sản xuất. Nếu những DN này vào Việt Nam, các DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của họ. Khi đó, mục tiêu thu hút FDIi để cải thiện, nâng cấp năng lực Việt Nam mới thực hiện được.

Khi một DN lớn vào Việt Nam, họ có thể kéo những DN khác vào theo, tạo ra một chuỗi sản xuất có giá trị lan tỏa mạnh. Điều này các DN nhỏ và vừa không thể làm được. Việc những DN nhỏ và vừa nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu giải quyết vấn đề việc làm, tăng một phần thu cho ngân sách. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chúng ta dành không gian cho DN nhỏ và vừa nhiều quá, các DN lớn sẽ không vào Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể làm ngược lại, thu hút DN lớn để kéo theo DN nhỏ vào.

Vậy Việt Nam cần làm gì để thu hút được những DN, tập đoàn lớn như vậy vào Việt Nam, thưa ông?

Hiện nay, chúng ta chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, đất đai, nhân công rẻ để thu hút FDI. Điều này là cần thiết nhưng DN lớn chọn những vấn đề căn bản, dài hạn hơn. Chẳng hạn môi trường cởi mở, minh bạch, chính sách nhất quán. Với các tập đoàn lớn, điều này quan trọng hơn nhiều các chính sách ưu đãi. Môi trường kinh doanh phải đảm bảo cho các DN có thể làm ăn hiệu quả, chứ không phải thuế thấp, nhân công rẻ.

Các địa phương có vai trò gì trong việc thúc đẩy thu hút các DN, tập đoàn lớn vào đầu tư, thưa ông?

Hệ thống phân cấp của Việt Nam đang có vấn đề. Đáng lẽ Việt Nam phải cạnh tranh đầu tư nước ngoài với nước khác, nhưng các địa phương hoặc các loại sản phẩm lại cạnh tranh với nhau. Bởi vì chúng ta làm quá nhiều khu công nghiệp, nhiều dự án phát triển khiến các tỉnh ra sức cạnh trạnh với nhau thu hút đầu tư nước ngoài để lấp đầy các khu công nghiệp. Chúng ta đã không cạnh tranh với các nước bằng việc chứng minh sự vượt trội về thể chế ưu đãi, lợi thế.

Đây là một khiếm khuyết khiến tỉnh nào đó có thể thu lợi ngắn hạn nhưng tổng thể đất nước lại chịu thiệt. Do đó phải có những thay đổi rất cơ bản trong cấu trúc thể chế. Định hướng đầu tư phải nhất quán, hướng ưu tiên phải rõ ràng, quan trọng nhất là khung khổ thể chế để các DN FDI thấy rằng họ có thể tin cậy và yên tâm về tương lai đầu tư ở Việt Nam. Nếu có được sự bảo đảm như vậy, các nhà đầu tư lớn sẽ vào Việt  Nam.

Đại diện các DN Nhật Bản cho rằng để nâng cao thu hút dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, Việt Nam cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ người lao động đến đội ngũ nhà quản lí. Ông đánh giá thế nào?

Điều này là chính xác! Việt Nam hay để ý đến nguồn lực “tĩnh” như tài nguyên, đường sá... Nhưng các nguồn lực “động” có thể tạo ra lợi thế “động”. Các nguồn lực như con người, thể chế, doanh nhân là nguồn lực động, chúng ta phải tập trung vào nhiều hơn nữa. Đó mới là vấn đề có tính dài hạn vì tài nguyên luôn luôn có hạn. Đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa phát triển được các nguồn lực như vậy.

Thế giới đang ngày càng  phát triển, trong khi nguồn lực trong nước hạn chế, DN yếu ớt, cho nên chúng ta phải thay đổi tư duy về cách nhìn phát triển, để tập trung cho nguồn lực “động”. Vừa qua môi trường vĩ mô của Việt Nam bị tụt hạng rất nhiều. Đó là do những điểm rất then chốt liên quan đến nguồn lực “động” chưa được ưu tiên phát triển.

Xin cảm ơn ông!