Cảnh báo hệ lụy nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn

Theo Hà Nguyễn/baodautu.vn

Nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng mạnh kể từ đầu năm tới nay. Trong 10 tháng, nhập siêu với Trung Quốc đã lên tới 29,5 tỷ USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đang cảnh báo nhiều hệ lụy.

Trong 10 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tới 62 tỷ USD.
Trong 10 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tới 62 tỷ USD.

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng rất mạnh

Nhập siêu từ Trung Quốc đang tăng rất mạnh là một trong những thông tin đáng chú ý trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, diễn ra ngày hôm qua (5/11) tại Hà Nội.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%, trong khi nhập khẩu từ thị trường này tới 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó khiến trong 10 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc tới 29,5 tỷ USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Thực tế, Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở cả xuất khẩu và nhập khẩu, và Việt Nam luôn nhập siêu lớn từ thị trường này. Vài năm gần đây, tốc độ tăng nhập siêu từ Trung Quốc đã chậm lại, nhưng năm nay lại tăng tới mức “chóng mặt”.

Điều đó khiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo lắng. Khi thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị phân tích rõ hơn các yếu tố tác động dẫn tới nhập siêu từ Trung Quốc tăng, cũng như các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận về xuất xứ hàng hóa.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đã bày tỏ sự lo lắng về sự mất cân đối trong cán cân thương mại và sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Theo bà Thúy, sau 25 năm Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng 2.220 lần, từ mức 30 triệu USD năm 1991 lên 66,6 tỷ USD năm 2015. Năm nay, chỉ sau 10 tháng, thương mại song phương đã lên tới gần 100 tỷ USD (94,5 tỷ USD), trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ khoảng 250 tỷ USD.

“Nếu vậy, kinh tế Việt Nam rất dễ phụ thuộc vào nền kinh tế đó. Nếu như kinh tế nước bạn gặp vấn đề lớn, thì kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng”, bà Thúy nhận định.

Lo ngại gian lận xuất xứ hàng hóa

Lý giải tình trạng nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, cả ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đều cho rằng, có nguyên nhân xuất phát từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính nằm ở cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

“Xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang dẫn tới việc hàng hóa của hai nước khó tiêu thụ tại thị trường của nhau. Mỹ, Trung sẽ tăng xuất khẩu sang các nước khác”, ông Võ Trí Thành nói.

Nhưng tăng xuất khẩu sang các nước khác chỉ là một chuyện, vấn đề quan trọng là cả hai nước sẽ tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ cũng như các biện pháp phòng vệ với hàng hóa như một công cụ để ngăn cản hàng nhập khẩu. Điều này dẫn tới một thực tế là, hàng Trung Quốc gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam, sau đó đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác, đặc biệt là Mỹ.

Một thông tin vẫn đang “nóng” trên mặt báo, đó là Tổng cục Hải quan vừa phát hiện một vụ có nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa lớn nhất từ trước tới nay. Đó là một lô hàng nhôm trị giá 4,3 tỷ USD được nhập vào Việt Nam, đang chờ được xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.   

 

 

Nếu nhôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế 15%, thì nhôm Trung Quốc xuất vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 375%. Đó là lý do vì sao, từ đầu năm tới nay, rất nhiều cảnh báo về việc “hàng Trung Quốc đột lốt hàng Việt Nam” để xuất khẩu.

Không chỉ nhôm, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, thời gian qua, cơ quan hải quan đã ngăn chặn được nhiều vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó xuất khẩu để giả mạo xuất xứ.

Thậm chí, không chỉ là nhập khẩu hàng hóa, còn có những cảnh báo về việc có doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam cũng là nhằm lẩn tránh xuất xứ hàng hóa.

Không chỉ các chuyên gia, mà cả các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương cũng đã nhiều lần cảnh báo điều này. Theo Bộ Công thương, cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để có giải pháp ứng phó kịp thời trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, hàng hóa từ Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, để tiêu thụ với giá rẻ, thậm chí gắn mác xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Bởi thế, vấn đề ở đây không chỉ là việc Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc, mà còn là những ảnh hưởng đối với thương mại với Mỹ. Đó là chưa kể những hệ quả nếu như thương hiệu, uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt bị ảnh hưởng, môi trường đầu tư, kinh doanh bị méo mó và các nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại.

“Nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc đang tăng cao, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp, Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn hiệu quả”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

10 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc tới 29,5 tỷ USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2018.