Cao su Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ

Hải Ngọc

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ từ 1 tỷ USD năm 2012 đã tăng lên 1,5 tỷ USD năm 2015. Hiện nay, thị trường sản phẩm cao su tại Việt Nam rất tiềm năng với các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.

Thị trường sản phẩm cao su tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Ảnh internet
Thị trường sản phẩm cao su tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Ảnh internet

Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ (Vietnamese Turkish Business Council) vừa tổ chức buổi giao thương và kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Buổi giao thương thu hút sự tham gia của nhiều nhà xuất nhập khẩu, đơn vị sản xuất, kinh doanh của Việt Nam và gần 20 doanh nghiệp đến từ Thổ Nhĩ kỳ, chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực kinh doanh, sản xuất thương mại, kỹ thuật về sản phẩm cao su.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Cụ thể, kim ngạch thương mại Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ từ 1 tỷ USD năm 2012 đã tăng lên 1,5 tỷ USD năm 2015. Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 1,4 tỷ USD, còn nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 100 triệu USD. Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế mở, hoạt động ngoại thương phát triển mạnh trong những năm gần đây và giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế (chiếm khoảng 50% GDP trong năm 2013). Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 500 tỷ USD vào năm 2023 với tham vọng trở thành 1 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Là nước nhập khẩu lớn thứ 22 trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường nội địa, đồng thời tái xuất một phần sang các nước trong khu vực. Hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ gồm: điện thoại các loại và linh kiện sợi, vải, hàng may mặc, giày dép, cao su, , gạo, sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hạt tiêu, sản phẩm nhựa, v.v... Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu và nhập khẩu các sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ như sắt thép, máy móc thiết bị, dược phẩm, linh kiện phụ tùng ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, v.v...

Ông Kay han OLANCA - Thành viên Công đồng Doanh nghiêp OCSTIM cho biết: trong các năm qua nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm được các cơ hội, các đối tác từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, do đó chúng tôi quyết định đến Việt Nam để tìm cơ hội đẩy mạnh kinh doanh. Theo ông Kay han OLANCA thị trường sản phẩm cao su tại Việt Nam rất tiềm năng. Ông hi vọng trong lần tới Việt Nam lần này, các công ty sản xuất, thương mại, kỹ thuật cao su Thổ Nhĩ Kỳ trong hiệp hội Ostim ngoài việc tìm đối tác phân phối còn kỳ vọng trong tương lai sẽ mở văn phòng hoặc xa hơn là xây dựng nhà máy sản xuất để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.Việt Nam là thị trường rất tiềm năng tại khu vực châu Á mà các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang bước vào giai đoạn có hiệu lực.