Cắt giảm chi phí phải đồng bộ

Theo Thạch Bình/thoibaonganhang.vn

Các NHTM đồng hành, sát cánh cùng DN để chia sẻ và hợp tác. Riêng về lãi suất cho vay đến thời điểm hiện nay, hầu hết các DN tham gia chương trình kết nối đều được các NHTM cho vay mới phổ biến ở mức 6-9%/năm (ngắn hạn) và 8-10%/năm (trung, dài hạn).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) hôm 4/12 đã tổ chức Hội nghị đối thoại với DN ở TP. Hồ Chí Minh nhằm tổng hợp các vướng mắc, đồng thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của DN về khó khăn trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Cổ vũ cho ngành Ngân hàng

Sau khi nghe Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực NH, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã cảm thán: “Mười tháng tổ chức hơn 300 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa NH và DN và cam kết cho vay gần 570.000 tỷ đồng. Thế thì phải cổ vũ cho ngành NH”.

Quan điểm của ông Trương Gia Bình xem như một đánh giá cao của Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính, đối với những kết quả mà ngành NH đã làm được trong suốt năm 2017. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú: đến thời điểm đầu tháng 12/2017, hầu hết các NHTM trong hệ thống đều đã thực hiện rất tốt chương trình cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính. Nhiều NHTM đã giảm 1/2 thời gian giao dịch vay vốn, bảo lãnh vay vốn, cắt giảm hàng loạt các thủ tục không cần thiết để đẩy vốn ra thị trường.

Từ kết quả cụ thể giữa các buổi đối thoại NH – DN, cho thấy các NHTM đồng hành, sát cánh cùng DN, để chia sẻ và hợp tác. Riêng về lãi suất cho vay đến thời điểm hiện nay, hầu hết các DN tham gia chương trình kết nối đều được các NHTM cho vay mới phổ biến ở mức 6-9%/năm (ngắn hạn) và 8-10%/năm (trung, dài hạn). Năm ngoái các NHTM đã gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay cũ… lên đến 88.000 tỷ đồng dư nợ. “Có thể nói các NH đã rất chủ động và tích cực trong việc tiếp cận chia sẻ khó khăn đối với cộng đồng DN” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Cải cách phải đi đôi với đồng bộ

Đồng tình với những chia sẻ của lãnh đạo ngành NH. Tuy nhiên đại diện một số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho rằng, để nguồn vốn tín dụng chảy mạnh hơn vào các lĩnh vực ưu tiên thì các chính sách của các bộ ngành phải thật sự đồng bộ.

Một đại diện DN ngành nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh dẫn ví dụ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của Chính phủ mà ngành NH đang triển khai. Từ đó lập luận rằng, mặc dù các NHTM đến nay đã đăng ký cam kết cho vay gói này lên tới 120.000 tỷ đồng. Nhưng do Bộ NN&PTNT chậm trễ trong việc sửa đổi các tiêu chí công nhận DN nông nghiệp công nghệ cao, nên đến nay cả nước mới chỉ có 28 DN được cấp giấy công nhận. Vị đại diện DN cho rằng vì thế các NHTM cũng mới chỉ giải ngân được khoảng 360 tỷ đồng so với số vốn các NH đã cho vay là 36.000 tỷ đồng trong một năm qua.

Ở một góc độ khác, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng những năm gần đây Chính phủ chủ trương phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp lớn. Các NHTM cũng được kêu gọi tài trợ vốn hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và tỏ ra khá sốt sắng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách hạn điền, cụ thể hóa các quy định khuyến khích DN tích tụ, tập trung đất đai thì lại không được Chính phủ và các bộ ngành thực hiện một cách triệt để. Đất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn bị định giá thấp hơn nhiều so với thực tế do không tính hết giá trị tài sản trên đất. Vì vậy khi DN tiếp cận vốn vay dù có quan hệ tín dụng lâu năm với các NH cũng khó lòng vay được vốn lớn.

Chính phủ sẽ cắt giảm thủ tục mạnh hơn nữa

Nhiều ý kiến DN phản ánh đến Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực: xuất nhập khẩu, giao đất, cấp thị thực cho khách du lịch và thủ tục thành lập DN được nhiều đại diện DN quan tâm nhất. Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy 73/100 DN được khảo sát có kiến nghị về các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và bàn giao mặt bằng cho các dự án; 64% DN còn phàn nàn về thái độ và hành vi ứng xử của cán bộ cơ quan Nhà nước, 46% DN phản ánh về sự chồng chéo giữa các cơ quan Nhà nước.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, cho rằng việc mỗi năm DN phải bỏ ra 30 triệu ngày công và 15 nghìn tỷ đồng cho các chi phí kiểm tra chuyên ngành cho thấy những rào cản thủ tục hành chính cần tháo gỡ vẫn còn rất nhiều.

Mặc dù thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện được 16 bậc (xếp thứ 68 theo đánh giá của Báo cáo Môi trường Kinh doanh của World Bank 2017) nhưng ông Mai Tiến Dũng khẳng định rằng, ngay từ đầu năm 2018 tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu tất cả các bộ ngành đều phải có giải pháp cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi tối đa cho các DN xuất nhập khẩu, giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho DN, giảm chi phí logistics cho toàn bộ nền kinh tế.