Chấm dứt nợ đọng xây dựng cơ bản

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) qua nửa đầu năm nay mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm 2012, nhưng số vốn giải ngân mới chỉ đạt 50% kế hoạch...…

 Chấm dứt nợ đọng xây dựng cơ bản
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, số vốn giải ngân mới chỉ đạt 50% kế hoạch... Nguồn: internet

Đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết ngoài một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt cao như Bộ Công an (70,4%), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (94,9%), tỉnh Thái Bình (86,2%), Tây Ninh (92,5%), thì điển hình có đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Ngân hàng Nhà nước (2,5%, do đến tháng 5/2013 mới được phép thực hiện kế hoạch vốn của 2 dự án chuẩn bị đầu tư), Ngân hàng Chính sách xã hội (1,3%, do kế hoạch năm 2013 chỉ thực hiện 1 dự án chuyển tiếp)…

Chậm tiến độ do thủ tục hành chính

Tương tự, tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ cao hơn so cùng kỳ năm 2012 là 13,1%, nhưng cũng có nhiều địa phương đạt thấp, như: TP. Hồ Chí Minh (5,4%), Tây Ninh (16,4%), Gia Lai (13,6%). Ông Nguyễn Ngọc Công - Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP. Hồ Chí Minh, cho rằng năm 2013, đơn vị này được giao số vốn là 476 tỷ đồng, đã giải ngân 45%, đạt khối lượng công trình là 56%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính khối lượng công trình mới trong năm 2013 thì con số này chỉ còn 20%.

Các công trình mới chậm tiến độ là do phải mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục hành chính: "Nếu chúng ta ghi vốn đợt 1 là vào tháng Giêng, sẽ mất 2 tháng đấu thầu. Đến tháng 6, ban quản lý đầu tư dự án mới có thể giải ngân được khối lượng lớn. Chính việc giải ngân khối lượng lớn này mới là cơ sở để Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính ghi vốn tiếp đợt 2.

Nhiều khi phải đợi đến tháng 3 năm sau, rồi lại đấu thầu 2 tháng là tới tháng 5, tiếp đến là tới tháng 6 sơ kết XDCB, rồi đến tháng 7 là tới nhu cầu vốn. Nếu nhu cầu vốn dựa trên cơ sở này rõ ràng các chủ đầu tư không thể nào thực hiện được, cho nên là cắt vốn tiếp, dẫn đến công trình buộc phải chuyển tiếp qua năm sau".

Phân tích cụ thể từng nguồn vốn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho biết tỷ lệ giải ngân XDCB tuy cao hơn tỷ lệ cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc. Nhất là tỷ lệ giải ngân trong xây lắp mới đạt khoảng 50% tổng kế hoạch.

Nợ đọng XDCB có xu hướng tăng

Có 9 dự án chưa triển khai được đấu thầu buộc phải quyết định cắt giảm, thu hồi vốn bổ sung dự phòng ngân sách. Tương tự, vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu quốc gia và thành phố có giá trị giải ngân 43% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 5,8%…

Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ làm cho một số dự án trọng điểm đứng trước khả năng không đáp ứng tiến độ. Đối với nguồn vốn do quận, huyện, thị xã quản lý, một mặt tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân của thành phố, mặt khác nợ đọng XDCB có xu hướng tăng, tính sơ bộ đã lên tới 1.980 tỷ đồng.

Trước tình trạng mất cân đối giữa nguồn lực và nhu cầu đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu thành phố, đình hoãn 120 dự án với mức đầu tư 30.000 tỷ đồng. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Doãn Toản cho biết khả năng mất cân đối thu - chi rất lớn, ước khoảng 10.900 tỷ đồng. Đã có tình trạng nhiều dự án có nhu cầu vốn nhưng không được bố trí đủ, do đó, việc dự án đã ghi vốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân để bảo đảm hiệu quả đầu tư là vô cùng quan trọng.

Liên quan đến nợ XDCB, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư tập trung giải quyết, báo cáo thành phố số liệu chính thức. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, số liệu nợ XDCB qua kiểm tra sơ bộ còn thiếu chính xác, có huyện báo cáo cả nhu cầu vốn trình Thành phố.

Riêng nợ trong xây dựng nông thôn mới đã là 1.195 tỷ đồng tại 639 dự án, bình quân mỗi dự án nợ 1,87 tỷ đồng. Do đó cần rà soát để có số liệu chính xác theo tiêu chí nợ XDCB đã ban hành tại chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố. Các quận, huyện tập trung nắm tình hình thực hiện dự án, rà soát nguồn lực, thậm chí có thể không đạt theo kế hoạch giao đầu năm, làm cơ sở lập và phê duyệt phương án điều chỉnh kế hoạch năm 2013.

Với mục đích chấm dứt tình trạng nợ đọng trong lĩnh vực XDCB, cuối tháng 7 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ thị về việc tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ XDCB từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, thành phố yêu cầu các đơn vị chỉ phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.

Tất cả các dự án đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước, vốn TPCP và những nguồn vốn có tính chất ngân sách Nhà nước phê duyệt mới, phê duyệt điều chỉnh phải được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo đúng quy định. UBND thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra trong tất cả các khâu lập, thẩm định và thẩm tra dự án đầu tư. Với những động thái nêu trên, hy vọng việc chấm dứt nợ đọng trong XDCB sẽ không là nhiệm vụ "bất khả thi".