Chậm vì thiếu khung pháp lý

Theo ktdt.vn

(Tài chính) "Nếu PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) là môn toán, thì BOT (đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là đại số, BT (đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao) là hình học… Như vậy, PPP là hình thức đầu tư chung, trong đó có rất nhiều dạng thức cụ thể. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là mất hai năm chúng ta mới nhận thức được điều này".

Đó là đánh giá của Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Lê Văn Tăng về việc triển khai các dự án theo hình thức PPP thời gian qua.

Không thấy "tư", chỉ thấy "công"

Mặc dù được nhìn nhận là một phương thức ưu việt để thu hút đầu tư tư nhân nhưng việc thực thi và triển khai các dự án đầu tư PPP vẫn còn quá chậm và mờ nhạt so với kỳ vọng. Hiện nay, PPP được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, trong đó, hai văn bản luật có điều chỉnh trực tiếp là Nghị định 108/2009/NĐ-CP và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho hình thức đầu tư PPP, Cục Quản lý Đấu thầu đang kiến nghị hợp nhất hai văn bản này.  

Thực tế triển khai thí điểm dự án PPP theo Quyết định 71 cho thấy, hiện nay, tình trạng "ôm" dự án, chỉ định thầu diễn ra khá phổ biến ở nhiều đơn vị. Điều đáng nói, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước cho thấy, các đơn vị  này hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng, trong khi, đây chính là nhà đầu tư của những dự án lớn. Điều này cũng cho thấy, nhà đầu tư Việt Nam hoạt động chủ yếu nhờ vào vốn ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng thương mại Nhà nước, rồi sau đó xin trái phiếu Chính phủ là đủ vốn để tham gia các dự án.

"Như vậy, xét cho cùng hợp tác công - tư thực chất là công - công. Chính vì vậy, khi có lợi thì nhà đầu tư tham gia, nhưng khi thua lỗ lại mang trả Nhà nước. Điều này là rất nguy hiểm!" - ông Tăng thẳng thắn đánh giá.Thông tin từ Cục Quản lý Đấu thầu cũng cho thấy, trong số 128 dự án mà các địa phương, bộ, ngành gửi về mới đây phần lớn là các dự án có tính thương mại thấp, khó đáp ứng được yêu cầu thu hút các nhà đầu tư. Thực tế đây là những dự án ít tính khả thi nên các địa phương chuyển đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư đăng ký xin làm PPP. TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính khẳng định: "Nếu chỉ duy trì hợp tác công - công hiện nay thì chỉ Nhà nước gánh chịu khi rủi ro xảy ra, còn không thấy trách nhiệm của tư nhân tại đây".

Sẽ có nghị định mới về PPP

Khảo sát của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, các nhà tư vấn nước ngoài đánh giá môi trường thể chế về PPP ở Việt Nam chưa cao, vẫn còn những hạn chế. Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt dự án PPP còn phức tạp, năng lực thực hiện của các cơ quan Nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp địa phương… khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với hình thức này. Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Quốc gia cho thấy rõ, cho đến nay, hồ sơ thực hiện dự án theo hình thức PPP đúng nghĩa hầu như không có.

Trước thực tế này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP đã đồng ý chủ trương hợp nhất Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg thành Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP. 

Theo đó xác định, đẩy mạnh triển khai theo hình thức PPP là một trong các giải pháp để tái đầu tư công, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết để sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu bổ sung quy định về các hình thức hợp đồng PPP mới để tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện. 

"Việc xây dựng khung pháp lý phải giải quyết được các vấn đề: Hai bên tham gia đến đâu? Trách nhiệm đến đâu? Quyền lợi đến đâu?" - ông Nguyễn Văn Vịnh - Viện Chiến lược phát triển đề xuất. Và để bảo đảm tính chất công, Nhà nước có thể can thiệp bất cứ lúc nào khi có phương hại đến lợi ích của cộng đồng. Vì vậy, nghị định mới quy định rõ những quyền và trách nhiệm của hai bên. "Để không còn "công - công", thì bản thân dự án phải làm rõ được sinh lời ở đâu và bao nhiêu thì mới hấp dẫn nhà đầu tư" - ông Vịnh nhấn mạnh.