Chặn dự án FDI gian lận thương mại

Theo Minh Chiến/nld.com.vn

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm diễn ra ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguồn: Internet.
Định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguồn: Internet.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các địa phương cần chú ý thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại. 

"Quan trọng nhất trong việc lựa chọn các nhà đầu tư FDI là phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững với nhiều giải pháp mạnh mẽ như xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc về suất đầu tư, sử dụng lao động" - ông Dũng nói.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ KH-ĐT chủ trì thiết kế bộ lọc để lựa chọn nguồn vốn, nhà đầu tư FDI có chất lượng. Ông Huệ nhắc đến Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" vừa được Chính phủ ban hành để yêu cầu các bộ - ngành, địa phương chú trọng lựa chọn các nhà đầu tư, đấu tranh không khoan nhượng với đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" để lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết còn một số bất cập phải khắc phục như xây dựng cơ chế đánh giá và rà soát an ninh; nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Đồng thời, tăng tính liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị,...

Đại diện 10 địa phương đã kiến nghị lên Bộ KH-ĐT nhiều vướng mắc như giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều khoản chuyển tiếp trong Luật Quy hoạch…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: "Bộ KH-ĐT phải đi đầu để có những đánh giá, phân tích, cập nhật kịp thời, đề xuất Chính phủ định hướng giải pháp căn cơ, ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông động lực tăng trưởng trong điều kiện vô cùng khó khăn của thế giới".

Phó Thủ tướng lưu ý ngành kế hoạch đầu tư phải "đón đầu" cơ chế, chính sách cho các mô hình kinh tế mới. "Trước khi đến dự hội nghị, Thủ tướng gọi điện cho tôi, yêu cầu nhấn mạnh với Bộ KH-ĐT về nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển" - Phó Thủ tướng nói và đề nghị bộ lập tổ công tác để rà soát các điểm nghẽn trong chính sách và kiến nghị xử lý