Chắp cánh cho thương mại biên giới: Động lực để Quảng Ninh phát triển, hội nhập

Xuân Hương

(Tài chính) Được ví như cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thông thương với Trung Quốc và mở ra thế giới, 50 năm qua, Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả lợi thế tự nhiên, đưa thương mại biên giới trở thành “đòn bẩy” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp gần 50% GDP của tỉnh hàng năm. Trong xu thế hội nhập, để nâng cao sức bật của “đòn bẩy” thương mại biên giới, ngoài những nỗ lực của tỉnh, Quảng Ninh đang cần sự phối hợp chỉ đạo, điều hành linh hoạt của các cấp, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao dự án Vân Đồn. Nguồn: internet
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao dự án Vân Đồn. Nguồn: internet
Phát huy lợi thế bằng các bước đi táo bạo

Nằm ở địa đầu phía Đông Bắc của đất nước, Quảng Ninh có đường biên giới đất liền tiếp giáp Trung Quốc dài 118,7km với 3 cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh và nhiều điểm thông quan hàng hóa trực tiếp với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có bờ biển dài trên 250 km với hệ thống cảng biển quốc tế Hòn Gai, Cái Lân, Cẩm Phả và khu chuyển tải cảng Vạn Gia. Hệ thống các cửa khẩu, cảng biển trên mở ra cơ hội đưa hàng hóa của Việt Nam sang thị trường tiêu thụ lớn nhất – Trung Quốc và thông thương với thế giới. Quảng Ninh có thể kết nối với Hải Phòng phát triển thành cụm cảng quốc tế phía Bắc, kết nối với Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của miền Bắc ra các thị trường quốc tế, đặc biệt là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Chính từ vị trí tự nhiên mang tầm chiến lược đối với khu vực và quốc gia, trong những năm qua, Quảng Ninh được đặc biệt quan tâm, hỗ trợ trong cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy thương mại biên giới. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 675/QĐ-TTg ngày 18/9/1996 cho phép Móng Cái trở thành cửa khẩu đầu tiên trong cả nước được áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu. Năm 2012, với Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái theo mô hình khu phi thuế quan và các khu chức năng (khu cửa khẩu quốc tế, khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị...). Đặc biệt, trong năm 2013, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã trực tiếp về Quảng Ninh thăm và khảo sát những tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mới đây, trong chuyến khảo sát tại Vân Đồn (11/8), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao và ủng hộ chủ trương xây dựng Vân Đồn thành đặc khu kinh tế - hành chính đặc biệt...

Trên nền tảng thế mạnh tự nhiên, cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những ý tưởng đột phá và bước đi táo bạo nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy trao đổi hàng hóa, nâng cao hiệu quả thương mại biên giới. Một trong những bước đi táo bạo đó phải kể tới Nghị quyết số 19/2011/NQ-HĐND (kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khoá XII) về việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ khi Nghị quyết 19 có hiệu lực, các KCN của Quảng Ninh đã thu hút được 8 dự án đầu tư mới, 4 dự án điều chỉnh tăng vốn; tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm 379,612 triệu USD và 812,959 tỷ VND. Tính đến hết năm 2012, trên địa bàn các khu kinh tế cửa khẩu Quảng Ninh có 21 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 548 triệu USD.

Để hiện thực hóa các Nghị quyết hỗ trợ, thu hút đầu tư, nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn với những cam kết đặc biệt cũng được tổ chức. Thông qua đó, Quảng Ninh đã tạo được các luồng gió mới thu hút được sự quan tâm của không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà cả các nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan như: Tập đoàn SE Nhật Bản, Tập đoàn Charmit- Hàn Quốc, Tập đoàn Amata Thái Lan, Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Texhong Trung Quốc, Công ty Yazaki Nhật Bản. Thậm chí, Quảng Ninh đã thuê tư vấn nước ngoài (Liên danh Perkins Will (Mỹ) và Aurecon (Úc) )lập quy hoạch xây dựng vùng để tạo sức hút với nguồn vốn ngoại.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, với chính sách mời gọi đầu tư cởi mở, thông thoáng, chỉ trong 2 năm 2012 - 2013, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới 67 giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng 5 tháng đầu năm 2013, tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 30 hồ sơ dự án, với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, cấp mới đối với 4 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư 73,3 triệu USD... Vốn đầu tư tăng, hàng loạt các khu công nghiệp, khu kinh tế khởi sắc (KCN Cái Lân, Hải Yên, Vân Hải...) cũng đồng nghĩa kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu từ các dự án tăng cao. Đơn cử, riêng dự án Texhong (KCN Đại Yên) - một dự án FDI chủ lực của tỉnh, dù mới khánh thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2, nhưng đã đóng góp khoảng 2,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Bên cạnh nỗ lực cải cách mời gọi đầu tư nước ngoài, tỉnh cũng đã có những chủ trương và cơ chế điều hành linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đồng thời ứng phó kịp thời với chính sách biên mậu thường xuyên thay đổi của nước bạn Trung Quốc. Nghị quyết đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã xác định một trong những phương hướng quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội là “… tạo bước chuyển rõ nét về cải cách hành chính…”. Điều này đã được các cấp, ngành của Quảng Ninh thực hiện quyết liệt và hiệu quả nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại biên giới. Điểm nhấn trong nỗ lực cải cách hành chính, thúc đẩy xuất nhập khẩu của Quảng Ninh trong thời gian qua phải kể tới việc phủ sóng thành công thủ tục hải quan điện tử tại 7/7 cửa khẩu của Quảng Ninh. Số liệu từ Cục Hải quan tỉnh, tới 31/7/2013, thủ tục hải quan điện tử đã thu hút 931/943 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua địa bàn, đạt tỷ lệ . Tổng số tờ khai thực hiện thông qua hình thức điện tử đạt 99,61%; kim ngạch đạt 99,22%. Thủ tục hải quan điện tử với tiện ích thông quan nhanh chóng, an toàn, giảm thiểu chi phí và những phiền nhiễu phát sinh đã được doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Chắp cánh cho thương mại biên giới: Động lực để Quảng Ninh phát triển, hội nhập - Ảnh 1

Thủ tục hải quan điện tử là điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại của Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, hàng loạt các Hội nghị đối thoại cũng được Quảng Ninh tổ chức thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Quảng Ninh, ông Nguyễn Hữu Thủy chia sẻ: “Định kỳ hàng quý, Chủ tịch UBND tỉnh đích thân chủ trì cuộc họp cùng trưởng các ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp, để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải; đồng thời chỉ đạo giải quyết, gỡ khó cho doanh nghiệp ngay tại cuộc họp. Đây là điều hiếm thấy ở hầu hết các địa phương khác, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao”.

Để thúc đẩy thương mại biên giới, Quảng Ninh cũng đã và đang tăng cường phối hợp với các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng... về hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại biên giới của các địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả hợp tác phát triển kinh tế "Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt- Trung".

Gỡ nút thắt chính sách

Với những nỗ lực cải cách, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho xuất nhập khẩu, trong những năm qua, hoạt động thương mại biên giới Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Số liệu từ Cục Hải quan Quảng Ninh, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Quảng Ninh luôn trong xu hướng tăng qua các năm. Nếu như năm 2008 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 8,3 tỷ USD; năm 2009: 6,6 tỷ USD; năm 2010 đạt 10 tỷ USD; năm 2011: 12,6 tỷ USD; năm 2012 đạt gần 9 tỷ USD và 7 tháng đầu năm 2013 đạt trên 5.635 tỷ USD.

Chắp cánh cho thương mại biên giới: Động lực để Quảng Ninh phát triển, hội nhập - Ảnh 2

Biểu đồ kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Quảng Ninh giai đoạn 2008 – 2012; Đơn vị: tỷ USD. (nguồn: Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh).

Hoạt động xuất nhập khẩu đã đem về nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh. Theo Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trên địa bàn đạt trung bình trên 2.000 tỷ đồng/năm. Năm 2012, trong tổng thu ngân sách thực hiện của tỉnh là 29.473 tỷ đồng thì riêng số thu từ thuế xuất nhập khẩu đã đạt 16.500 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2013, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 14.288 tỷ đồng thì thuế xuất nhập khẩu cũng đã đóng góp 7.485 tỷ đồng.

Chắp cánh cho thương mại biên giới: Động lực để Quảng Ninh phát triển, hội nhập - Ảnh 3

Biểu đồ thu ngân sách từ XNK trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2007 – 2013

(Đơn vị: nghìn tỷ USD).

Thông qua hiệu quả thu ngân sách, hoạt động thương mại biên giới đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Số liệu từ Ban Quản lý các khu kinh tế cửa khẩu Quảng Ninh cho hay, thương mại dịch vụ biên giới đã đóng góp gần 50% GDP của tỉnh hàng năm. Đáng chú ý, hàng loạt các khu kinh tế cửa khẩu hình thành và phát triển như: KKTCK Móng Cái, KKT biển Vân Đồn, KCN Cái Lân, KCN Đại Yên… đã tác động tích cực tới đời sống của nhân dân không chỉ tại các địa phương vùng biên giới.

Một trong những chỉ tiêu chính mà Đại hội đại biểu lần thứ XIII Quảng Ninh đặt ra về kinh tế là giai đoạn 2010 - 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng bình quân 7%/năm. Tuy nhiên, để hoạt động thương mại biên giới thực sự đạt hiệu quả như mong đợi trong những năm tiếp theo, đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của tỉnh, cần có cơ chế điều hành linh hoạt từ Trung ương. Bởi, trong thời gian gần đây, một số chính sách mới ban hành đang tác động không thuận tới hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn, như: Thông tư số 59/2013/TT-BTC quy định “Hàng tạm nhập tái xuất và hàng gửi kho ngoại quan chỉ được lưu tại Việt Nam không quá 45 ngày và được 1 lần gia hạn nhưng tối đa không quá 15 ngày; Việc ban hành Thông tư 05/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương; chưa có Thông tư thay thế, sửa đổi Thông tư số 165/2010/TT-BTC của Bộ Tài Chính, hay Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài Chính...

Những quy định trên đã làm cho hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan – những loại hình dịch vụ thương mại chính đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động và mang về nguồn thu lớn cho ngân sách Quảng Ninh bị ách tắc và giảm sút đáng kể. Số liệu thống kê từ Hải quan Quảng Ninh cho hay, nếu như năm 2011, kim ngạch hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu qua địa bàn Quảng Ninh đạt 3,77 tỷ USD; năm 2012: 1,854 tỷ USD (giảm 51,82% so năm 2012) thì nửa đầu năm 2013 (từ 1/1 – 18/7) là 1,08 tỷ, giảm 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa gửi kho ngoại quan năm 2011 là 1.879.715 kiện rượu và 4.377.837 kiện thuốc lá điếu thì năm 2012: 1.405.867 kiện rượu và 3.880.132 kiện thuốc lá; 6 tháng đầu năm (15/7) là 83.362 kiện rượu và 2.436.077 kiện thuốc lá.

Trước khó khăn này, nhiều cuộc họp đã được tổ chức như Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, kinh doanh vận tải hàng hóa qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được tổ chức vào ngày 12/6, tại TP Hạ Long. Ngày 16/8/2013, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ... để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp gỡ vướng kịp thời. Các ban ngành trong tỉnh cũng quyết liệt vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp, tăng cường cải cách thủ tục hành chính tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu; tăng thời gian giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu tại các địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu đảm bảo 24/24 giờ…

Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của tỉnh, để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, Quảng Ninh đang cần sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Theo đó, Quảng Ninh đề xuất Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Công Thương có đánh giá tổng thể tình hình hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan để có căn cứ khoa học xác định tác động tích cực, tiêu cực tới kinh tế - xã hội địa phương, từ đó đưa ra chính sách quản lý phù hợp; Cho phép kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan các hàng hoá thuộc Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; Mở rộng thêm danh mục hàng hóa được tạm nhập tái xuất; Tăng thêm thời gian hàng gửi kho ngoại quan...

 Thương mại biên giới trong điều kiện hội nhập được đánh giá như đòn bẩy cạnh tranh của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu như tận dụng hiệu quả, thương mại biên giới sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước, thúc đẩy các loại hình dịch vụ (bốc dỡ, thông quan, vận tải, kho vận...) góp phần tăng thu ngân sách, cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội vùng biên. Để tận dụng, sử dụng hiệu quả những tác động tích cực từ lợi thế thương mại biên giới thì Quảng Ninh cần Chính phủ tiếp tục cho cơ chế chính sách điều hành linh hoạt, chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích thương nhân.