Chất lượng nguồn nhân lực: Thiếu chất xám, tụt hậu sâu

Theo Đức Trung/saigondautu.com.vn

Việt Nam hiện có 54 triệu lao động, trong đó gần 70% làm việc phi chính thức, lao động chân tay.

Việt Nam hiện có 54 triệu lao động, trong đó gần 70% làm việc phi chính thức, lao động chân tay.
Việt Nam hiện có 54 triệu lao động, trong đó gần 70% làm việc phi chính thức, lao động chân tay.
Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 6%/năm, 20 năm nữa Việt Nam mới đạt thu nhập bình quân đầu người gần bằng mức Malaysia đã đạt trong năm 2010, và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan. Vì thế, để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu, giải pháp hàng đầu hiện nay là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngày càng tụt hậu, thua xa nhiều nước
Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) của nền kinh tế Việt Nam năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 92,1 triệu đồng, tương đương 4.100USD/lao động, tăng 5,9% so với năm 2016; cao hơn so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011-2016, và cao hơn nhiều so với mức tăng 3,45%/năm giai đoạn 2006-2010.
Tuy nhiên, theo Ban Kinh tế Trung ương, thành tích tăng NSLĐ của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng chưa theo chiều sâu, do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, chưa phải là sự cải thiện trong nội tại từng ngành kinh tế.
Do đó, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á khác, và vẫn thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%).
Với tốc độ tăng NSLĐ bình quân nêu trên, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt hậu. Theo đó, tốc độ tăng năng suất đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ, thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm.
Điều này có nghĩa chi phí sản xuất ở Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, đã tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ nhiều doanh nghiệp (DN) FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2017 cả nước vẫn còn 21,6 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi NSLĐ khu vực này chỉ đạt 35,5 triệu đồng/lao động/năm, bằng 38,1% mức NSLĐ chung của nền kinh tế. Không những vậy, chỉ có 21,5% lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 13%.

Robot không thể ngay lập tức thay thế được con người, nhưng không vì thế mà chúng ta tỏ ra thờ ơ. Chúng ta bình tĩnh nhưng không được chủ quan với tốc độ của sự thay thế. Trước mắt, chúng ta vẫn phải lo việc làm cho những lao động không có tay nghề, kỹ năng, nhưng phải ráo riết chuẩn bị cho lực lượng này được đào tạo cơ bản để có khả năng tiếp cận công nghệ mới.

TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN, 
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu cũng là nguyên nhân khiến NSLĐ Việt Nam còn thấp. Đa số DN dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình thế giới, có đến 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ năm 1960, 75% thiết bị hết khấu hao, 50% thiết bị là đồ tân trang.
Đã vậy, các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên chưa tận dụng được tính lan tỏa của tri thức, công nghệ và NSLĐ từ các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia vào DN trong nước. Những hạn chế này cho thấy khu vực DN chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế.

Thách thức từ 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra rất mạnh mẽ, bên cạnh những thách thức là nguy cơ mất việc làm. Bởi lẽ đặc trưng nổi bật của CMCN 4.0 là nhiều công đoạn sản xuất sẽ được thay thế bằng máy móc, sẽ là mối đe dọa với lực lượng lao động trình độ thấp đang làm việc trong các nhà máy. Là hạt nhân và chịu nhiều tác động của cuộc CMCN 4.0, song nhiều công nhân hiện nay chưa nhận thức rõ về những thách thức mình sẽ gặp phải trong thời đại mới.
Chị Phan Thị Ngân (quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), hiện đang làm công nhân tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Vsip II (tỉnh Bình Dương), cho biết đã làm việc ở đây được 3 năm, với mức thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Công việc hàng ngày khá giản đơn, kiểm tra và dán nhãn các sản phẩm nên khi được nhận vào công ty, chỉ sau vài buổi hướng dẫn và phổ biến nội quy công ty, chị đã bắt tay vào làm việc không cần trải qua khóa đào tạo nghề nghiệp nào.
Công việc đơn giản, đồng nghĩa với việc khi áp dụng công nghệ máy móc có thể thay thế được công việc của chị Ngân rất cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về khái niệm CMCN 4.0 và khả năng máy móc sẽ dần thay thế công việc của mình đang làm, chị Ngân cho hay ngày đó chắc còn lâu...
Không chỉ chị Ngân, nhiều nam nữ công nhân khác tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM cũng rất lơ mơ về cuộc CMCN 4.0. Với nhiều DN, cuộc cách mạng này chỉ diễn ra ở các nước phát triển hiện đại, không ảnh hưởng đến Việt Nam và không ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động, nên chưa có ý thức đào tạo, học tập để thích ứng với thời cuộc. Hiện nay, tại các khu công nghiệp, một vòng luẩn quẩn đang diễn ra phổ biến với đa số công nhân, theo kiểu “tăng ca - ngủ - tăng ca”.

Các DN nếu bắt đúng nhịp, đi đúng hướng, phát triển theo chiều sâu sẽ tận dụng được những cơ hội cuộc CMCN 4.0 mang lại. Theo đó cần chuyển đổi cơ cấu lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, tăng lao động công nghệ và có kỹ năng chuyên môn cao bằng chính sách, cơ chế ưu đãi áp dụng cho DN.

Ông LÊ HOÀI QUỐC, 
Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
Nhiều công nhân cho biết hầu như họ không tham gia các hoạt động vui chơi giải trí hay học hành trường lớp, và cũng không theo đuổi bằng cấp để nâng cao trình độ. Thực trạng hiện nay là đa phần công nhân chưa qua đào tạo. Trong khi đó, các DN thích tuyển dụng công nhân không có kỹ năng, sau đó tập huấn ngắn hạn, trả lương thấp và không cần thì dễ bị cho nghỉ việc. 
Nói về việc người lao động có nguy cơ mất việc do tự động hóa, một số chuyên gia cho rằng nên nhìn cuộc CMCN 4.0 một cách tích cực, đó là tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, không nhằm mục đích thay thế con người.
Tự động hóa sẽ thay thế con người ở những công việc đơn giản, ngược lại các công ty sẽ tăng thêm đội ngũ nhân lực có tay nghề cao để có thể quản lý được máy móc. Khi tự động hóa, thị trường lao động sẽ phải chuyển đổi theo hướng tích cực hơn và chất lượng của đội ngũ nhân sự sẽ được nâng cao.
Dù vậy, cuộc CMCN 4.0 với sự bùng nổ ứng dụng internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất, đang đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp, sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh.

Thành lập Ủy ban năng suất Quốc gia
Bàn về việc nâng cao NSLĐ, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng điều cần thiết hiện nay là Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, do 1 Phó Thủ tướng làm Chủ tịch; thiết lập 1 cơ quan thường trực, chuyên sâu về NSLĐ có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia, đi học tập kinh nghiệm của Singapore và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.
Bên cạnh xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao NSLĐ của Việt Nam, cần phát động phong trào tăng NSLĐ trong tất cả khu vực của nền kinh tế. Ông Lâm đề xuất chọn 1 tháng trong năm là “Tháng năng suất Quốc gia”, nhằm thúc đẩy phong trào tăng NSLĐ, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của toàn xã hội đối với việc thúc đẩy tăng NSLĐ.
Ở góc nhìn khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn nhận tăng trưởng kinh tế nước ta trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, đặc biệt cuộc CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Vì thế, tăng năng suất chính là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với kinh tế Việt Nam hiện nay. Theo bộ trưởng, để khai thác và tận dụng tốt các cơ hội nói trên, có nhiều việc phải làm, trong đó thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện trên cả 3 phương diện: xây dựng và phát triển đồng bộ các loại thị trường; tăng quy mô và mức độ cạnh tranh thị trường; đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng cần phải nâng cao vị thế của lao động Việt Nam. Lâu nay Việt Nam được biết đến như là quốc gia có lao động giá rẻ, làm dây chuyền lắp ráp, nhưng trong CMCN 4.0  lợi thế này sẽ bị mất đi.
Vì vậy, phải coi trọng việc đào tạo lao động trẻ theo công nghệ mới, cùng với việc đào tạo lại cho lao động có tuổi. Ngoài ra cũng cần tăng cường hỗ trợ từ Quỹ lao động việc làm để đào tạo lao động gặp rủi ro, giúp họ tiếp tục tham gia thị trường lao động.