Chỉ giới hạn rút tiền mặt qua thẻ nợ

Theo Hải Nam – Tuyết Anh/thoibaonganhang.vn

Quy định sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng chỉ giới hạn rút tiền mặt qua các thẻ đi vay vốn chứ không giới hạn rút tiền mặt các thẻ rút tiền có số dư trên tài khoản của người dân gửi ở ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
NHNN đang lấy ý kiến rộng rãi để sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó, vấn đề sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 1a vào điều 14 gây nhiều tranh luận nhất.

Theo đó, với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài của các chủ thẻ từ Việt Nam một thẻ chỉ được rút ngoại tệ tiền mặt tối đa 30 triệu đồng/ngày (tương ứng với số ngoại tệ quy đổi). Đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng trong một ngày. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức thẻ tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị tài sản bảo đảm và tối đa 1 tỷ đồng. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng.

Phải khẳng định ngay rằng, quy định sửa đổi Thông tư 19 là giới hạn rút tiền mặt đối với các thẻ tín dụng (loại thẻ đi vay tiền) và thẻ trả trước là giới hạn vay tiền đối với các cá nhân, NHNN không giới hạn rút tiền mặt bằng thẻ ATM có sẵn tiền của người dân gửi không kỳ hạn trên tài khoản ngân hàng. Cần phân biệt rõ, thẻ tín dụng do một TCTD phát hành ra để khuyến khích người dùng thẻ vay tiền của TCTD chi tiêu trước trả nợ sau. Còn thẻ ATM là thẻ ngân hàng phát hành để người dân có tài khoản tiền gửi không kỳ hạn rút tiền tự động bất cứ khi nào muốn.

Cũng cần phải nói, do nắm bắt được tâm lý thích sử dụng tiền mặt của người Việt Nam, thời gian qua nhiều TCTD trong nước đã phát hành những loại thẻ tín dụng nhưng lại truyền thông cho phép người dùng rút tiền mặt không giới hạn. Làm cho người dùng thẻ tín dụng hiểu nhầm thành các thẻ ATM, thích rút bao nhiêu tiền mặt thì rút, đã gây ra nợ nần cho không ít chủ thẻ tín dụng. Trong khi đó các TCTD nước ngoài khi phát hành thẻ luôn chỉ chào mời thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua hình thức khuyến mãi, chiết khấu bằng cách hoàn tiền cho kỳ thanh toán sau nên ít xảy ra tình trạng nợ ngoài mong muốn của chủ thẻ.

Không phủ nhận lợi ích thanh toán của người dùng thẻ tín dụng khi thanh toán mua bán tivi, tủ lạnh, máy giặt, vé máy bay... sau 45 ngày mới phải trả tiền mà không mất lãi suất. Người lao động có thể dùng hàng hóa, dịch vụ trước đến khi có tiền lương, tiền công chuyển trả lại cho đơn vị phát hành thẻ. Hình thức đi vay vốn qua thẻ này, người vay không phải chứng minh tài sản bảo đảm, ngoài việc làm hồ sơ phát hành thẻ cam kết số tiền thu nhập định kỳ hàng tháng trước đó.

Tổ chức thẻ quốc tế Visa vừa công bố một kết quả độc lập do Roubini ThoughtLab khảo sát trên 100 thành phố lớn trên thế giới, trong đó có Hà Nội, khi thanh toán qua thẻ và thanh toán thẻ phi vật lý như các ứng dụng di động có thể mang lại lợi ích ròng mỗi năm lên đến 470 tỷ USD tương đương với 3% tổng sản phẩm của các thành phố này. Với Hà Nội, con số thu thêm mỗi năm sẽ là 600 triệu USD nếu thanh toán thẻ thay thế cho thanh toán tiền mặt hiện nay.

Khảo sát 100 thành phố trên thế giới của Visa cũng đưa ra thông số lợi ích cho người tiêu dùng nếu thanh toán bằng thẻ sẽ mang lại mỗi năm giá trị 28 tỷ USD, nhờ tiết kiệm được 3,2 tỷ giờ giao dịch tiền mặt ở các quầy giao dịch và các điểm bán lẻ. Trong khi đó, lợi ích trực tiếp của DN ước tính mỗi năm hơn 3.122 tỷ USD, nhờ tiết kiệm được 3,1 tỷ giờ dành cho khâu xử lý các khoản thu, chi, cộng thêm doanh thu tăng từ việc mở rộng danh mục khách hàng trực tuyến (online) tại các cửa hàng.

Nghiên cứu so sánh, nếu DN dùng tiền mặt hoặc các loại giấy tờ có giá để thanh toán sẽ tốn thêm 7,1 cent cho mỗi USD doanh thu trong khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt chỉ mất có 5 cent. Thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ lợi ích cá nhân, DN. Visa còn công bố lợi ích từ Chính phủ của 100 thành phố được khảo sát ước tính lên đến 130 tỷ USD/năm nhờ tăng doanh thu thuế, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm chi phí từ vận hành bộ máy hành chính công và chi phí của hệ thống tư pháp.

Thanh toán không dùng tiền mặt hiện đã mở rộng rất nhiều khi các nhà bán hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức mã phản hồi nhanh (QR code) lên hàng hóa dịch vụ. Theo đó, các TCTD phát hành thẻ cũng tích hợp các ứng dụng nhận mã phản hồi nhanh để người dùng có thể tích hợp hàng chục chiếc thẻ vay nợ và tài khoản ngân hàng vào điện thoại thông minh mà giới chuyên môn gọi với thuật ngữ mới mẻ là "thẻ phi vật lý". Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần cầm chiếc điện thoại thanh toán được mọi lúc mọi nơi tại các điểm bán lẻ chấp nhận thanh toán "thẻ phi vật lý" mà không cần cầm cả một nắm thẻ.

Như vậy, có thể khẳng định quy định sửa đổi Thông tư 19 chỉ giới hạn rút tiền mặt qua các thẻ đi vay vốn chứ không giới hạn rút tiền mặt các thẻ rút tiền có số dư trên tài khoản của người dân gửi ở ngân hàng. NHNN khuyến khích các đơn vị phát hành thẻ, "thẻ phi vật lý" và người dân thanh toán không dùng tiền mặt.