Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 sẽ chỉ tăng nhẹ

Theo chinhphu.vn

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ tăng nhẹ so với tháng 6.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phân tích một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá tháng 7 như: Điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp có thể ảnh hưởng tới biến động của giá lương thực, thực phẩm (hai nhóm chiếm quyền số lớn nhất trong cơ cấu nhóm hàng tính CPI)…,Cục Quản lý giá cho đây là nguyên nhân chủ yếu có thể gây áp lực tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bên cạnh đó, giá một số nguyên liệu như trứng, đường có thể tăng do các doanh nghiệp tăng thu mua để chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Trung thu.

Tháng 7 cũng là tháng bắt đầu mùa mưa bão nên có thể tác động đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu, từ đó có thể gây tăng giá hàng hóa cục bộ tại một số địa phương.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có khả năng giảm giá nhẹ trong tháng tới là thóc gạo do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch lúa Hè Thu, trong khi nhu cầu gạo cho xuất khẩu ở mức thấp; mặt hàng phân bón, vật liệu xây dựng vào thời kỳ nhu cầu sử dụng không cao....

Đặc biệt, việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng tới.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo CPI tháng 7 tăng khoảng 0,21%.

6 tháng cuối năm:Nhiều yếu tố tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát

Cũng theo Cục Quản lý giá, có nhiều yếu tố có thể tác động đến CPI 6 tháng cuối năm. Những vấn đề về chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác… từ đó, tác động đến giá hàng hóa trong nước qua kênh nhập khẩu.

Ngoài ra, điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp có thể ảnh hưởng tới biến động của giá lương thực, thực phẩm là hai nhóm chiếm quyền số lớn nhất trong cơ cấu nhóm hàng tính CPI.

Bên cạnh đó, sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế và giáo dục) theo lộ trình thị trường, chính sách điều hành tỉ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới... cũng là những nhân tố cần được quan tâm, theo sát để điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra.