Chỉ thị 04 - "Mệnh lệnh" bình ổn giá cả thị trường

Lê Hiền

(Tài chính) Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã kịp thời ký ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC (ngày 02/11/2012) về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá từ nay đến cuối năm.

Ổn định giá cả những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán
là nhiệm vụ được các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính hết sức quan tâm.

Giải tỏa lo ngại…

Những lo ngại cho rằng chỉ số giá (CPI) cuối năm 2012 sẽ rất khó lường, không biết có đạt được mục tiêu đề ra là 8% hay không? Nhưng đến giờ phút này chúng ta có thể thấy công tác điều hành quản lý giá đã phát huy tác dụng. Để hỗ trợ thị trường, Bộ Tài chính đã  triển khai hiệu quả công tác quản lý giá cả, ổn định thị trường, tiếp tục kiên trì các giải pháp ổn định giá. Tính chung 10 tháng, CPI tăng 6,02% so với tháng 12/2011. Dự kiến, trong 2 tháng còn lại của năm 2012, nếu không có biến động lớn đột xuất, bất thường và các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô và giá cả tiếp tục được điều hành chủ động, thận trọng, quyết liệt thì CPI cả năm có thể đạt mục tiêu Quốc hội giao là 8% và mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức độ một con số của năm 2012 chắc chắn có thể thực hiện được.

Không lơ là với giá…

Bao giờ những tháng cuối năm cũng là lúc giá cả bị đẩy lên, đặc biệt là hàng hóa tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, và đương nhiên việc tăng giá này sẽ kéo theo chỉ số giá quí IV/2012 tăng lên so với thời kỳ trước đó. Để có thể chủ động điều hành giá, các ngành đã có những biện pháp chuẩn bị nguồn bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa (tăng cường sản xuất, đưa hàng đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo… kể cả biện pháp nhập khẩu) đặc biệt là nhóm thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, thức ăn chế biến sẵn… để đảm bảo nguồn cung cho những tháng cuối năm. Các phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ, Bộ Công Thương tuyên bố sẽ không điều chỉnh giá điện trong những tháng cuối năm 2012, nhằm không tăng chi phí sản xuất, không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa cung cấp cho người dân. Trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở theo tính toán của Bộ Tài chính thì Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thống nhất chỉ đạo giữ ổn định giá bán, mức trích Quỹ Bình ổn giá, thuế suất thuế nhập khẩu đối với các chủng loại xăng dầu như hiện hành. Tuy nhiên, để hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo khôi phục lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Cùng với việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa để chuẩn bị nguồn cung dịp cuối năm nhằm tránh tính trạng khan hiếm hàng làm giá cả bị đẩy lên, một công tác quan trọng mà Bộ Tài chính đang kết hợp cùng Bộ Công Thương tiến hành là làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu, chống gian lận thương mại; Kiểm soát chặt để ngăn chặn tư thương tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa; Bảo đảm cân đối đủ hàng hóa cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; Triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để giảm hàng tồn kho. Ngoài việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng xăng, dầu, hai Bộ còn chú trọng kiểm soát chặt giá khoáng sản, thuốc lá, rượu bia, đường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu.

Hiện, các ngành chức năng đang vào cuộc và sẽ kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá. Thực hiện công bố công khai những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao, đặc biệt, đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ động, thực vật, thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tính công khai minh bạch trong tính đúng, tính đủ chi phí, lợi nhuận, giá cả... không để tư thương lợi dụng thời điểm cuối năm để đẩy giá.

Để đạt được mục tiêu bình ổn giá cả những tháng cuối năm, các bộ, các cơ quan, địa phương đã và đang phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành thị trường, giá cả; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.

Để hỗ trợ giá và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp và bà con giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất (miễn, giảm, gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế môn bài… hỗ trợ vốn vay, vốn đầu tư… hàng tỷ đồng, theo Nghị quyết số 13/NQ-CP). Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường đã lên đến gần 4.000 tỷ đồng.

Ngành Tài chính nhanh chóng vào cuộc

Ngay sau khi có Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã đề ra các giải pháp và huy động tổng lực để vào cuộc, đẩy mạnh công tác điều hành và bình ổn giá cuối năm, trong đó, thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn… đều phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, triển khai thực hiện tốt các phần việc trong thẩm quyền trách nhiệm của mình. Đặc biệt, trong Chỉ thị 04/CT-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, Cục Quản lý Giá... căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính thực hiện tốt các công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.

Đảm bảo cho nhân dân có một cái Tết yên vui, no đủ, bình ổn… là trách nhiệm và tâm nguyện của cán bộ ngành Tài chính, đồng thời là nỗi quan tâm lo lắng thường trực của các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tài chính. Trước yêu cầu này, từng ngành, từng lĩnh vực trong Bộ đều phải đều phải đưa ra được các giải pháp kịp thời, thiết thực để thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng. Các đơn vị trong Bộ phải phối hợp với các đơn vị liên quan  như Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127, Hải quan, Thanh tra, Công an,… tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đối với Cục Quản lý giá, cơ quan có chức năng tham mưu, xây dựng chính sách quản lý giá cao nhất của Bộ Tài chính, được Bộ đề nghị phải chủ động triển khai các đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình thực hiện công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại các địa phương; giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý giá, xét thấy cần tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay, Cục Quản lý giá phải báo cáo Bộ và phối hợp với Thanh tra Tài chính để tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo.

Thực hiện Chỉ thị 04/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc này là nhiệm vụ khẩn trương, trước mắt. Chỉ thị (mệnh lệnh) đã được ban hành kịp thời, đúng lúc, việc thực hiện cũng không thể chậm trễ…