Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 là khả thi

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức: Trong điều kiện khó khăn của năm 2012, nhưng một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu vẫn đạt kết quả khả quan so với mục tiêu đề ra. Việc đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2013 về cơ bản là có tính khả thi.

Phóng viên đã phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức về kết quả số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2012 vừa được công bố và nhiệm vụ đặt ra năm 2013 đang được Chính phủ cùng các địa phương bàn thảo trong hôm nay và sáng mai (26/12).

Phóng viên: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, ông có thể đánh giá một cách ngắn gọn về kinh tế - xã hội của nước ta trong năm nay?

Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 là khả thi - Ảnh 1
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Ông Đỗ Thức: Kinh tế - xã hội nước ta năm 2012 bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công kéo dài tại châu Âu. Ở trong nước, những vấn đề yếu kém trong nội tại nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để. Cầu tiêu dùng giảm, hàng tồn kho ở mức cao. Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh chưa được khai thông, giá cả diễn biến phức tạp...

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng 5,03%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đã cải thiện dần qua các quý, trong đó quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,80%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 18,3% và lần đầu tiên sau 20 năm chúng ta xuất siêu. Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo, tai nạn giao thông đều giảm so với năm 2011...

Trong điều kiện khó khăn như vậy mà một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu vẫn đạt kết quả khả quan so với mục tiêu đề ra đầu năm, là nhờ sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước trong việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ. Trong đó có Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Phóng viên: Xin ông nói rõ hơn về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đặt ra cho năm 2013, trong đó có mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát?

Ông Đỗ Thức: Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2012 tăng 5,03%, tuy thấp hơn mức 5,2% đã dự kiến khi xây dựng kế hoạch, nhưng với dự báo kinh tế thế giới trong năm 2013 có một số mặt khả quan hơn năm 2012, với việc Chính phủ đang và sẽ tiếp tục có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong năm 2013 và với tinh thần chủ động, sáng tạo của chủ doanh nghiệp, sự cần cù, chịu khó của người lao động thì chỉ tiêu tốc độ tăng GDP năm 2013 là 5,5% có thể thực hiện được.

Về mục tiêu kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm nay so với tháng 12/2011 là 6,81%; thêm vào đó, việc chúng ta phải thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý giá (điện, than, xăng dầu, dịch vụ công...) dường như là một áp lực cho mục tiêu tăng CPI dưới 8%.

Tuy nhiên, nhìn vào sự biến động của CPI những năm qua, nhất là 2 năm gần đây (CPI năm 2011 tăng 18,13%, năm 2012 tăng 6,81%) và hiện tại, cầu của dân cư giảm tương đối - không phải là giảm tuyệt đối - so với các năm trước. Mặt khác, với việc chúng ta đang duy trì chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ, có kiểm soát và kinh nghiệm điều hành cụ thể của Chính phủ, các cấp, các ngành về vấn đề tài chính, tiền tệ, vấn đề thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cả các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 dưới 8%. 

Theo tôi, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2013 là phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời qua các số liệu năm 2012 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, có thể thấy rằng việc đạt được các chỉ tiêu này trong năm 2013 về cơ bản là có tính khả thi.

Phóng viên: Theo ông, để thực hiện được những mục tiêu tăng trường kinh tế - xã hội năm 2013, giải pháp cơ bản chúng ta cần phải tập trung là gì?

Ông Đỗ Thức: Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2013, theo tôi giải pháp cơ bản mà chúng ta cần tập trung là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chặt chẽ, có kiểm soát, nhưng ở mức độ linh hoạt và hài hòa hơn để vừa góp phần ngăn ngừa và kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, vừa tạo nguồn lực cho sản xuất kinh doanh phát triển.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói riêng hay chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nói chung, nhất là trong các ngành, các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (cả công nghiệp chế biến hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản); sản xuất hàng hóa xuất khẩu, sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu... tiếp cận thuận lợi và vay được vốn tín dụng, vốn lãi suất phù hợp. Thêm vào đó, ổn định giá trị của đồng tiền Việt Nam để người dân yên tâm và sử dụng tiền nhàn rỗi của mình cho sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả đầu tư nói chung và trước mắt nâng cao hiệu quả đầu tư công. Trong khi chúng ta thu hẹp tương đối tỷ trọng đầu tư từ nguồn Ngân sách thì cần có chính sách thu hút, mở rộng đầu tư từ các nguồn khác cho sản xuất kinh doanh. Vì hiện tại, nước ta vẫn đang trong giai đoạn “tăng trưởng dựa vào đầu tư”. 

Trong kinh tế, quy luật cung - cầu cần tôn trọng đầy đủ, vì nó là quy luật cơ bản mang tính chi phối. Ngành nào, mặt hàng nào, sản phẩm nào sản xuất vượt quá cầu, tất yếu sẽ phải thu hẹp, thậm chí phải đóng cửa, phá sản. Nhà nước cần tập trung khuyến khích các ngành, lĩnh vực mới phát triển, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tiết kiệm cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng vào lúc này. Tiết kiệm trong sản xuất để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất. Tiết kiệm trong tiêu dùng, cả tiêu dùng của dân cư và tiêu dùng của Chính phủ để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cả hai vấn đề này hiện nay chúng ta còn đang yếu, cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.