“Chìa khóa” hút vốn

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Quan sát diễn biến chuyển dịch các dòng vốn ngoại, bao gồm đầu FDI, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam và một động thái đầu tư qua cửa mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) nội, ông Yun Hang Jin - chuyên gia phân tích Tập đoàn Tài chính KIS Hàn Quốc cho rằng khó khăn của DN ngoại hiện hàng đầu vẫn là tìm kiếm thông tin…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phóng viên: Trong thời đại mà thông tin bùng nổ ở mọi nơi, mọi kênh, việc tìm kiếm thông tin DN, các chính sách xúc tiến thương mại, mở cửa thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam hẳn không còn là rào cản, thưa ông?

Ông Yun Hang Jin: Ngược lại, nói riêng với các DN Hàn Quốc, đây là một trong những khó khăn lớn nhất khi xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Họ vẫn thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin cần thiết để phân tích, am hiểu hơn về đối tác trước khi đưa ra quyết định đầu tư. 

Việc công bố một cách cụ thể các thông tin về tình hình tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh… cũng là một yếu tố đóng vai trò quan trọng để thu hút đối tác quan tâm đến DN mình. Nếu những thông tin, báo cáo này được các cơ quan, tổ chức đáng tin cậy trong và ngoài nước xác thực thì hiệu quả càng cao.

Nhưng điều đó thực tế không quá mức cản trở sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc với thị trường Việt Nam, dòng vốn FDI, FII Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2014 dự kiến sẽ vẫn tăng?

Hiện các NĐT Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam và khả năng xu thế tìm đến Việt Nam đầu tư của các NĐT Hàn Quốc đang ngày một trở lên sôi động hơn. Thời gian qua, số lượng các DN Hàn Quốc xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt phải kể đến DN hàng đầu là Tập đoàn Samsung đã đầu tư xây dựng nhà máy sản suất điện thoại di động với quy mô lớn nhất thế giới tại Việt Nam và có ý định sẽ chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất vốn có tại Trung Quốc về Việt Nam. Kéo theo đó là nhiều các DN vệ tinh cũng rót vốn đầu tư vào xây dựng nhà máy, công xưỏng tại Việt Nam.

Trong tuơng lai, khả năng dòng vốn FDI từ Hàn Quốc còn tiếp tục chảy vào Việt Nam do kỳ vọng về hiệp định TPP, kỳ vọng về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ tăng truởng, tái cơ cấu… mà chính phủ đang thực hiện. Trên thị trường chứng khoán, quy mô đầu tư của Hàn Quốc cũng tăng đáng kể trong thời gian qua.

Là một trong những thị truờng tăng truởng vào bậc nhất thế giới trong năm 2013 và triển vọng tiếp tục duy trì đà tăng truởng đó trong năm 2014, tôi cho rằng dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc cả FDI và FII vào Việt Nam sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. 

Nói riêng về hoạt động đầu tư Inbound vào Việt Nam qua con đường mua bán, sáp nhập, năm 2013, vốn đầu tư Hàn Quốc đã chảy qua kênh M&A vào Việt Nam khá mạnh. Theo ông năm nay kịch bản đó có lặp lại năm nay, và vì sao?

Khả năng kịch bản lặp lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra. So với các nước trong khu vực, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực cho thấy tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng kinh tế đang hồi phục trở lại. Chính phủ Việt Nam vẫn đang cố gắng nỗ lực đẩy nhanh qua trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài như miễn giảm thuế…

Tôi cho rằng năm nay, dòng vốn M&A vẫn được rót vào thị trường Việt Nam với quy mô lớn nhằm nắm bắt kịp thời những cơ hội đầu tư đang có tại thị trường Việt Nam.

Theo ông, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục quan tâm thị trường Việt Nam, đặc biệt sử dụng công cụ M&A để tiến vào thị trường này một cách nhanh chóng trong những lĩnh vực nào?

Mặc dù trước đây NĐT Hàn Quốc chủ yếu để ý tới lĩnh vực bất động sản nhưng hiện nay, họ quan tâm đến nhiều lĩnh vực đầu tư hơn tại Việt Nam như tài chính, sản xuất chế tạo, bán lẻ… Đây vẫn là những thị trường có tiềm năng phát triển dài hạn hiện nay và trong tương lai, và cũng sẽ là thị trường phát huy được lợi thế dân số nội địa lẫn xuất khẩu của Việt Nam.

Các DN đầu tư FDI, FII nói chung, tùy mục tiêu và chiến lược của mình, có thể sẽ chọn những điểm đến đầu tư riêng nhưng chắc chắn sẽ không xa rời quỹ đạo là những lợi thế vốn có và tiềm năng của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!