Chính phủ điện tử Việt Nam xếp hạng 88 trên thế giới

TheoThanh Minh/congthuong,vn

Với số điểm 0,59, Việt Nam xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia tham gia khảo sát về Chính phủ điện tử, đạt mức trên trung bình so với thế giới.

Việt Nam xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia tham gia khảo sát về Chính phủ điện tử. Nguồn: Internet
Việt Nam xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia tham gia khảo sát về Chính phủ điện tử. Nguồn: Internet

Tại Diễn đàn kinh tế số được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ thông tin và Truyền thông - cho biết, kết quả chỉ số khảo sát mới đây của Liên hiệp quốc về Chính phủ điện tử trên 3 lĩnh vực, trong đó, Việt Nam đạt điểm cao nhất là lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, tiếp đến là nhân lực và hạ tầng viễn thông.

Chính phủ điện tử Việt Nam xếp hạng 88 trên thế giới - Ảnh 1

Chính phủ điện tử Việt Nam xếp hạng 88 trên thế giới

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử do Liên hiệp quốc khảo sát đánh giá và xếp hạng 2 năm một lần. Với số điểm trung bình đạt 0,59, Việt Nam xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia tham gia khảo sát về Chính phủ điện tử, đạt mức trên trung bình so với thế giới.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016, tuy nhiên hiện Việt Nam vẫn còn một số điểm tồn tại, phải có những giải pháp đặc biệt để khắc phục và thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Cụ thể là các cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai… chưa được thực hiện hoàn thiện. Dữ liệu các dịch vụ công trực tuyến hiện vẫn chưa liên thông ở các sở ngành, địa phương nên chưa phát huy được tính thống nhất và chia sẻ thông tin, vì vậy người dân khi làm dịch vụ công thường phải khai báo thông tin nhiều lần cho mỗi dịch vụ.

“Trong thời gian tới Bộ thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4, 30% thông tin người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến, 50% dịch vụ công trực tuyến được xử lý bằng hồ sơ điện tử… người dân không cần đến cơ quan Nhà nước làm thủ tục hành chính mà làm trực tuyến tại nhà” - ông Phúc kỳ vọng.

Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới, Bộ Thông tin - Truyền thông đang phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số.

Hiện nay, ngành viễn thông công nghệ thông tin đã tạo ra hạ tầng viễn thông 3G, 4G phủ 95% cả nước, sắp tới sẽ triển khai 5G, đây là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế số.