Chính phủ ngừng mua ngân hàng với giá 0 đồng: Một thông điệp, nhiều đích đến

Theo daibieunhandan.vn

Trong cuộc họp với các bộ, ngành mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp quan trọng: Từ nay, Chính phủ sẽ không áp dụng biện pháp mua ngân hàng 0 đồng như giai đoạn trước. Thông điệp này có ý nghĩa gì? Và tại sao phải làm như vậy?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

“Xóa sổ” ngân hàng yếu kém

Trong giai đoạn trước, nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành hết sức thận trọng trong bối cảnh ngặt nghèo là tình trạng thanh khoản của các ngân hàng ở mức báo động. Lúc đó, mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là cần thiết. Bởi nếu không làm thế, thì khó có thể giữ được an toàn hệ thống.

Đồng thời với việc mua ngân hàng 0 đồng, Nhà nước gián tiếp khẳng định với người gửi tiền rằng: Chính phủ sẽ có trách nhiệm bảo toàn tiền gửi của người dân; chỉ cần người dân bình tĩnh và cho thời gian để NHNN tái cơ cấu, phục hồi hoạt động của các ngân hàng yếu kém này. Nhờ vậy, ở thời điểm đó người ta mới được chứng kiến một thái độ khá bình tĩnh, điềm đạm của người gửi tiền. Không có cảnh người dân ồ ạt rút tiền, dù lãnh đạo các ngân hàng yếu kém đã liên tiếp bị bắt và bị xử lý hình sự.

Chính từ kết quả giữ an toàn hệ thống đó, người kế nhiệm trong nhiệm kỳ Thống đốc NHNN hiện nay mới có thể tiếp tục đà củng cố sự bền vững của hệ thống, và tình huống nguy cấp đã không còn. Đây là tiền đề quan trọng để trong giai đoạn này, Chính phủ đưa ra thông điệp mạnh mẽ về việc ngừng mua ngân hàng 0 đồng, và sẽ xử lý các ngân hàng yếu kém với những biện pháp mang tính thị trường hơn, công bằng hơn.

Thông điệp mạnh mẽ này của Chính phủ chủ yếu được gửi tới giới làm ngân hàng, rằng: “Từ nay, anh nào yếu kém sẽ phải xóa sổ” theo đúng trình tự nêu trong Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu mà Chính phủ đang hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Theo đó, ngân hàng nào quá yếu kém sẽ bị trải qua giai đoạn kiểm soát đặc biệt, nếu không hồi phục được thì bắt buộc phải xử lý theo trình tự thủ tục phá sản, giải thể. Tất nhiên trình tự này có rất nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn hệ thống và cũng làm rõ được trách nhiệm của những người lãnh đạo ngân hàng để ngân hàng đó hoạt động bê bối.

Trình tự xử lý ngân hàng yếu kém cũng có tới 5 cấp độ. Đó là: Các biện pháp hỗ trợ thực trạng hoạt động, các biện pháp hỗ trợ tài chính, các giải pháp xử lý pháp nhân và xử lý thể nhân, sau khi áp dụng tất cả các biện pháp mà chưa khắc phục được tình hình thì tổ chức tín dụng yếu kém phải “bán bắt buộc” cho NHNN.

Trong quá trình xử lý qua 5 cấp độ đó, các tổ chức tín dụng yếu kém cũng được hưởng một quy chế đặc biệt. Ví dụ, trong thời gian kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng yếu kém không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của NHNN.

Điều này giống như một người đang trong thời gian chữa bệnh thì không phải đi gánh nước! Hay là, được bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), được vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; hoặc được vay đặc biệt của NHNN với mức lãi suất 0%...

Lãnh đạo, cổ đông, người gửi tiền đều phải chịu trách nhiệm

Với những tổ chức tín dụng lớn, có quy mô lớn, chỉ gặp khó khăn, nguy hiểm, mất khả năng thanh khoản mang tính nhất thời, hoặc do các yếu tố yếu kém trong quản trị nhưng bản chất tài sản vẫn có thì có thể bị tuyên bố phá sản theo Luật Phá sản.

Nhưng điều quan trọng là trải qua 5 cấp độ xử lý như trên, thì việc tuyên bố phá sản này cũng không gây bất ngờ, tránh gây ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Điều đó cũng có nghĩa, thời gian tới đây, quán triệt tinh thần “tái cơ cấu ngân hàng phải thực chất hơn”, thì điều quan trọng cần xác định rõ là, không thể và không có lý do gì để duy trì một tổ chức tín dụng quá yếu kém, đã áp dụng các biện pháp cấp cứu tối đa rồi mà vẫn không phục hồi.

Lúc đó, phá sản là tất yếu, chứ nếu vẫn tiếp tục duy trì “thây ma” đó bằng việc mua 0 đồng, sẽ dẫn đến méo mó thị trường, tạo ra bất công, kéo dài những can thiệp phi thị trường và tiếp tục gây ảnh hưởng đến sự an toàn và lành mạnh của hệ thống. Không để kéo dài tình trạng các ông chủ ngân hàng “ỷ thế” làm bừa, huy động vốn rồi cho vay “sân sau” để đến khi mất vốn hoặc lỗ nặng thì lại chờ NHNN đến cứu. Chuyện đó nay sẽ chấm dứt!

Nhận thức quan trọng nhất rút ra từ thông điệp này là “ai cũng phải chịu trách nhiệm đến cùng - bằng chính tài sản của mình, về những hành vi của mình”. Vì thế, các “đại gia” muốn làm ngân hàng cũng cần cân nhắc kỹ về năng lực quản trị, kiến thức ngân hàng chứ không phải chỉ có tiền là làm được.

Các cổ đông đầu tư tiền vào để hưởng lãi cũng cần suy nghĩ kỹ và có ý thức cao hơn trong việc sử dụng quyền của cổ đông. Và người gửi tiền cũng cần có nhiều thông tin để lựa chọn những ngân hàng đáng tin cậy chứ không chỉ “tham” lãi suất cao như trước. Đây là một thông điệp nhằm tới nhiều đích, mà mục tiêu chung là làm cho hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn, thực chất hơn.