Chính sách giá sản phẩm địa phương là những quyết định liên quan đến việc định giá cho sản phẩm địa phương mà nhà đầu tư (NĐT) sẽ phải trả khi đầu tư vào một địa phương. Để ra được quyết định chính xác về giá sản phẩm địa phương, đòi hỏi những người ra quyết định phải nắm bắt và phân tích chính xác các nhân tố ảnh hưởng đến giá sao cho mức giá đưa ra cuối cùng là có lợi nhất đối với NĐT, đồng thời giúp địa phương sử dụng như là một công cụ trong cạnh tranh.

Chính sách giá sản phẩm địa phương tại khu kinh tế Nhơn Hội

Hiện nay, cũng như các khu kinh tế (KKT) khác ở Việt Nam, về cơ bản giá sản phẩm địa phương KKT Nhơn Hội được xác định theo công thức sau:

Giá sản phẩm địa phương KKT Nhơn Hội

 

 =

 

Giá thuê mặt bằng

 

+ 

 

 

Thuế TNDN và các loại thuế khác

 

+ 

 

 

Chi phí khác

 

- 

 

Các khoản hỗ trợ của địa phương
 


Theo chính sách khuyến khích đầu tư vào KKT Nhơn Hội, các dự án đầu tư vào KKT Nhơn Hội được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Quy chế hoạt động KKT Nhơn Hội ban hành kèm theo Quyết định số 141/2005/QĐ-TTg ngày 14/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và được áp dụng theo địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Về giá thuê mặt bằng

Tiền thuê đất, thuê mặt nước được miễn, giảm như sau: Miễn toàn bộ thời gian đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục các lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 35/2002/NĐ-CP (Danh mục A); Miễn 11 năm đối với dự án không thuộc danh mục A; Mức giá thuê đất thô thấp nhất theo quy định hiện hành do UBND tỉnh Bình Định ban hành trong từng thời kỳ.

Nhìn chung, quy định về giá thuê mặt bằng KKT Nhơn Hội kém hấp dẫn hơn so với 4 KKT còn lại ở Nam Trung Bộ là KKT mở Chu Lai (Quảng Nam), KKT Dung Quất (Quảng Ngãi), KKT Nam Phú Yên, KKT Vân Phong (Khánh Hòa). Ở cả 4 KKT này tiền thuê đất, thuê mặt nước đều được miễn toàn bộ thời gian đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; miễn 15 năm đối với các dự án thuộc Danh mục khuyến khích đầu tư; miễn 11 năm đối với các dự án khác.

Về chính sách thuế

- Doanh nghiệp đầu tư vào KKT Nhơn Hội được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giống như 4 KKT còn lại, cụ thể: Thuế suất thuế TNDN 10% trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; miễn 100% thuế TNDN trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; được hưởng các ưu đãi về các loại thuế khác áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Các dự án được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án: Dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ cao; dự án có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của khu vực sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

- Giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKT (áp dụng cho KKT Nhơn Hội, KKT Dung Quất, KKT Vân Phong).

Nhìn chung, các ưu đãi về thuế của các KKT này gần giống nhau, sự khác biệt không nhiều, không ảnh hưởng đến chính sách giá cạnh tranh.

Các khoản hỗ trcủa địa phương

Đối với các dự án đầu tư vào KKT Nhơn Hội, có một số hỗ trợ như sau: Một là, ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ 100% chi phí bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư; Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu chức năng được cung cấp điện, nước đến chân hàng rào các khu chức năng. Hai là, NSNN hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và bãi xử lý chất thải rắn tập trung của khu chức năng. Ba là, NĐT đã thực hiện đầu tư được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài mỗi năm 01 lần và áp dụng trong 02 năm đầu cho các sản phẩm mới; kinh phí hỗ trợ tối đa mỗi lần không quá 100 triệu đồng.

So với các chính sách khuyến khích đầu tư vào 4 KKT còn lại của Nam Trung Bộ ta thấy KKT Nhơn Hội ưu đãi hơn KKT Nam Phú Yên và KKT Vân Phong, gần tương đương với KKT mở Chu Lai và KKT Dung Quất.

Chi phí không chính thức: Theo số liệu khảo sát, chỉ số chi phí không chính thức năm 2012 của Bình Định tốt hơn so với trung bình toàn quốc, và ở mức trung bình so với các tỉnh ở Nam Trung Bộ có KKT là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là các chỉ số này của Bình Định ít ổn định, các yếu tố làm xấu môi trường đầu tư và tăng giá sản phẩm địa phương Bình Định vẫn còn nhiều. Đặc biệt, số DN còn phải chi trả chi phí không chính thức khi đăng ký kinh doanh tăng đột biến từ 20,81% năm 2010, giảm xuống còn 6,47% năm 2011 và tăng mạnh lên 30,74% trong năm 2012. Tình trạng tham nhũng trong đấu thầu công ở Bình Định cũng luôn ở mức cao. Theo khảo sát, năm 2012 có 39,29% DN đã trảhoa hồng cho cán bộ có liên quan đểđảm bảo giành được hợp đồng của các cơ quan nhànước. Theo đánh giá của Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), DN tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hoa hồng nhiều hơn. Vì vậy, cần xem lại việc chỉ số này giảm (tốt lên) trong năm 2012 là do yếu tố khách quan hay do nỗ lực chống tham nhũng từ phí chính quyền tỉnh.

Những yếu tố ảnh hưởng đến chính sách giá sản phẩm địa phương

Những li thế

Thứ nhất, Khu vực Nhơn Hội - Phương Mai có quỹ đất xây dựng lớn, nền đất cát cao không bị ngập lụt, có cấu tạo địa chất bền vững, dân cư ít, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp.

Thứ hai, KKT Nhơn Hội chỉ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 5km, giao thông thuận tiện nên ngay từ đầu NĐT có thể sử dụng những lợi thế hạ tầng kỹ thuật và xã hội sẵn có của đô thị loại I này để khai thác đầu tư phát triển.

Thứ ba, KKT Nhơn Hội nằm cạnh cảng Quốc tế Quy Nhơn nên rất thuận tiện cho tàu biển nước ngoài ra vào..

Thứ tư, KKT Nhơn Hội nằm trong cực phát triển phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, còn có mối liên kết kinh tế ngang với vùng phía Tây rộng lớn. Với vị trí như vậy, các DN sẽ có chi phí vận chuyển đầu vào và đầu ra của sản phẩm thấp hơn các KKT khác trong việc khai thác thị trường phía Tây.

Thứ năm, KKT Nhơn Hội có tài nguyên để phát triển du lịch.

Những hạn chế

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng KKT Nhơn Hội chưa được đầu tư hoàn chỉnh như KKT mở Chu Lai và KKT Dung Quất. Hai KKT này được Nhà nước tập trung đầu tư để trở thành những KKT phát triển của quốc gia và làm động lực cho các tỉnh duyên hải miền Trung.

Thứ hai, KKT Nhơn Hội không nằm trong danh mục các KKT được Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư giai đoạn 2012 - 2015 và có thể là cả trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, khả năng đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho KKT Nhơn Hội của tỉnh Bình Định sẽ hạn chế. Đây là bất lợi rất lớn của KKT Nhơn Hội so với KKT mở Chu Lai và KKT Dung Quất.

Định hướng hoàn thiện chính sách giá sản phẩm địa phương KKT Nhơn Hội

Các chính sách liên quan đến giá sản phẩm địa phương KKT Nhơn Hội mà tỉnh Bình Định có thể hoàn thiện nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư, bao gồm:

- Thuế TNDN

Thứ nhất, bổ sung thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế. Theo tác giả, thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế phải từ năm đầu tiên dự án đi vào hoạt động và có thu nhập chịu thuế.

Chính sách giá sản phẩm địa phương trong thu hút đầu tư tại khu kinh tế Nhơn Hội  - Ảnh 1

Thứ hai, đối với các dự án đầu tư được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, tỉnh Bình Định cần lập danh sách các dự án cụ thể thuộc diện hưởng mức thuế suất này, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước. Điều này giúp tăng tính minh bạch, làm cho NĐT giảm thiểu chi phí thời gian và các chi phí thủ tục khi đầu tư vào KKT Nhơn Hội.

- Tiền thuê đất

Thứ nhất, cần quy định thêm nội dung về thời điểm bắt đầu được miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo tác giả, thời điểm NĐT bắt đầu được miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Thời gian xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được công bố công khai.

Thứ hai, cần bổ sung cho hoàn chỉnh và cập nhật các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước để ngang bằng với mức ưu đãi của các KKT khác trong vùng như: Vân Phong, Dung Quất, Nam Phú Yên.

Thứ ba, danh sách các NĐT được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất cần phải được công khai trên trang web của tỉnh để quảng bá chính sách của tỉnh; cần xây dựng các tiêu chí cụ thể các NĐT được hưởng chính sách: khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín.. của NĐT và quy mô đầu tư.

- Các hỗ trợ của địa phương

Thứ nhất, cần thực hiện có hiệu quả hơn công tác GPMB vì vướng mắc này làm rất nhiều dự án chậm tiến độ, nâng giá sản phẩm địa phương lên cao hơn dự tính của NĐT.

Thứ hai, Bình Định cần xây dựng một quy trình minh bạch và thủ tục đơn giản để giúp NĐT tiếp cận các ưu đãi của tỉnh.

Ngoài ra, muốn giảm chi phí không chính thức cho DN, lãnh đạo tỉnh Bình Định cần phải ban hành kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề này. Cụ thể: Lãnh đạo Tỉnh cần chủ trì hội nghị giao ban với các DN tại các KCN, KKT để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các DN trong quá trình hoạt động; Văn phòng UBND tỉnh chủ trì đối thoại trực tiếp và giải quyết những vấn đề vướng mắc của cá nhân, tổ chức về vấn đề cải cách hành chính; Sở Nội vụ chủ trì tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình về cải cách hành chính…

Tài liệu tham khảo:

1. Ban quản lý KKT Bình Định (2012), Báo cáo tình hình xây dựng và phát triển KKT Nhơn Hội vcác KCN năm 2012;

2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2012), Số liệu PCI năm 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012. http://www.pcivietnam.org;

3. Michael E. Porter (2008), Lợi thế cạnh tranh quốc gia. Nhà xuất bản trẻ. Người dịch: Nguyễn Ngọc Toàn, Lương Ngọc Hà, Nguyễn Quế Nga, Lê Thanh Hải.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 – 2013

Chính sách giá sản phẩm địa phương trong thu hút đầu tư tại khu kinh tế Nhơn Hội

TS. HÀ THANH VIỆT

(Tài chính) Đầu tư phát triển là hoạt động mang tính dài hạn. Nhà đầu tư sẽ rất thận trọng trước khi ra quyết định đầu tư vào một địa phương. Do vậy, việc sử dụng chính sách giá sản phẩm địa phương để thu hút nhà đầu tư là biện pháp quan trọng cần thiết với mỗi địa phương.

Xem thêm

Video nổi bật