Chính sách mạnh mẽ phải được thực thi quyết liệt

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tồn tại và phát triển, bên cạnh việc ban hành Nghị quyết 01 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước như thông lệ hàng năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02, đưa ra những giải pháp khá cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu...

Chính sách mạnh mẽ phải được thực thi quyết liệt
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, để những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của hai Nghị quyết này đạt hiệu quả thì vấn đề cốt lõi vẫn là công tác điều hành và thực thi chính sách từ cơ quan quản lý.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sĩ Kiêm nhận định, 2013 vẫn tiếp tục là một năm nhiều thách thức đối với doanh nghiệp và thị trường, ngay cả đối với những doanh nghiệp đã vượt qua được khó khăn của năm 2012. Điểm đáng mừng là bản thông điệp của Thủ tướng Chính phủ ngày đầu năm mới đã cam kết có giải pháp mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó là việc ban hành và triển khai tương đối sớm các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, điều này sẽ tạo niềm tin cũng như kỳ vọng giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo quyết tâm từ Chính phủ đến các địa phương và các ngành. Có niềm tin là có động lực, có động lực thì mới biến chính sách thành kết quả cụ thể.

Chuyên gia kinh tế, tài chính Vũ Đình Ánh cũng khẳng định, Nghị quyết 02 đã cụ thể hóa những vấn đề tồn tại của nền kinh tế hiện nay. Nếu so sánh với NQ-13/CP vào tháng 5/2012 thì có thể thấy Nghị quyết 02 bao quát nhiều nội dung hơn và liều lượng của chính sách cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều, trong đó tập trung vào 2 nội dung chính là, giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Những giải pháp mạnh và khá chi tiết như, “thực hiện đồng bộ các biện pháp, nhất là các biện pháp về vốn tín dụng, lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực có sản phẩm tồn kho lớn như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng…”; hay “bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản… Mở rộng đối tượng cho vay là các công trình bê tông hóa cầu, đường giao thông nông thôn, bao gồm cả đường liên xã, liên huyện.”. Một điểm nhấn rất rõ ràng của Nghị quyết 02 là đối với khu vực bất động sản, đặc biệt là định hướng rõ ràng về câu chuyện phát triển phân khúc nhà ở xã hội để làm sao thông qua đó kích thích thị trường và thông qua đó kích thích nền kinh tế…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, những giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản cũng như chương trình đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn được cho là tháo gỡ cho rất nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép… có thể những giải pháp này chưa vượt qua được ngay những khó khăn vì giải quyết bài toán bất động sản theo kinh nghiệm của nhiều nước không phải dễ dàng ngay kể cả những nước có tiềm lực kinh tế lớn. Nhưng dù sao việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho những bước tiếp theo cho các ngành khác.

Tuy nhiên, ông Phạm Chí Cường cũng cho rằng, sự mạnh mẽ, quyết liệt từ chính sách vĩ mô của Chính phủ phải song hành với công tác điều hành từ các cơ quan quản lý cấp thực thi mới có thể hỗ trợ được doanh nghiệp và thị trường. Ví như đối với ngành thép, các doanh nghiệp trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải gồng mình cạnh tranh với thép giá rẻ nhập khẩu vào thị trường nhưng chưa có được một hàng rào kỹ thuật bảo vệ, hỗ trợ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm cũng đánh giá cao những giải pháp về giải quyết nợ xấu tại Nghị quyết 02/CP… Tuy nhiên, cũng theo ông Kiêm thì công tác tổ chức thực hiện mới là vấn đề mấu chốt dẫn đến thành công của Nghị quyết này, trong đó, cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thể chế cũng như khả năng phản ứng chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực điều hành của các cấp quản lý.