Chính sách mở -nắm bắt cơ hội

Theo Baodautu.vn

(Taichinh) - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu vừa được ký kết sẽ mở tiếp hàng loạt cam kết mới giữa Việt Nam với 5 nước gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hàng loạt cơ hội mới sẽ mở ra cho các ngành sản xuất, dịch vụ trong nước, thị trường xuất khẩu sẽ rộng hơn, cơ hội đầu tư - kinh doanh lớn hơn, song điều này cũng có nghĩa không gian chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế, các doanh nghiệp của Việt Nam càng thu hẹp lại.

Vấn đề nổi lên là, làm gì để khai thác hiệu quả nhất không gian còn lại này khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang ở “chiếu dưới”, đối mặt với những quy tắc xuất xứ, điều kiện kỹ thuật… vốn không được sự nhân nhượng từ các đối tác.

FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu được xếp vào nhóm những FTA thế hệ mới, cùng với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cho dù có lộ trình cho từng cam kết, nhưng so với FTA truyền thống tập trung vào thương mại hàng hóa, cam kết của FTA thế hệ mới phủ rộng không chỉ ở thương mại hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, mà bao trùm cả các vấn đề mới như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, hải quan, phát triển bền vững… lẫn các vấn đề phi thương mại như bảo vệ môi trường, lao động… Diện tác động được nhìn thấy ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ và thể chế.

Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam cũng như việc thực thi các FTA, một trong những điểm yếu nhất lại là việc sử dụng các biện pháp phòng vệ được phép như thuế quan, phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá… Thậm chí, ngay cả công cụ phòng vệ là độ trễ trong thời gian thực hiện cam kết cũng không được tận dụng tối đa.

Có thể nhìn thấy những lúng túng trong việc lựa chọn, xây dựng và thực thi chính sách, phân bổ nguồn lực trong phát triển một số ngành công nghiệp như ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến… Cho tới thời điểm này, câu hỏi đâu là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam hay Việt Nam có gì ngoài ngành công nghiệp gia công, thậm chí ngành nông nghiệp gia công… sau hội nhập vẫn chưa có được câu trả lời rõ ràng.

Trong khi đó, không gian chính sách để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam sẽ ngày càng hạn chế, tương ứng với những cam kết hội nhập sâu rộng. Các biện pháp phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật theo kiểu cũ sẽ không còn đất thực hiện, thay vào đó là những biện pháp mới tinh vi hơn, đòi hỏi năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, sự kết hợp hài hòa giữa chính sách trong nước và các cam kết quốc tế.

Ở đây, cũng cần nhắc tới trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực tìm không gian phát triển cho chính mình. Trong nhiều lý do giải thích cho điểm yếu trong tận dụng các biện pháp phòng vệ được phép của Việt Nam, có nguyên nhân các doanh nghiệp chưa lên tiếng, chưa tham gia nghiên cứu và đề xuất những phương án phù hợp. Thói quen lệ thuộc toàn bộ vào cơ quan nhà nước trong chính sách phát triển khiến doanh nghiệp Việt Nam thường ở thế bị động với hội nhập.

Bối cảnh mới đòi hỏi năng lực mới của những chủ thể của hội nhập. Sự chủ động trong tận dụng không gian chính sách còn lại sau các FTA cũng sẽ loại dần cách thức làm ăn theo kiểu xoay sở, bị động bấy lâu nay của doanh nghiệp Việt Nam cũng như của các cơ quan hoạch định chính sách.