Chính sách thuế với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

PGS.,TS. TRẦN XUÂN HẢI - Học viện Tài chính

(Taichinh) - Sử dụng chính sách thuế để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thường thể hiện rõ quan điểm, thiện chí của Nhà nước đối với các chủ thể sản xuất - kinh doanh trong nền kinh tế, từ đó tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư. Song nếu sử dụng chính sách thuế không hợp lý có thể vừa không đảm bảo việc cân đối thu - chi ngân sách, vừa tạo điều kiện để các đối tượng nộp thuế thực hiện các hành vi trốn, tránh thuế…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xác định phạm vi điều chỉnh của thuế

Để sử dụng chính sách thuế một cách hiệu quả, đòi hỏi Nhà nước phải xác định rõ việc điều tiết qua thuế những khoản thu nhập nào. Đối với khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh mà Nhà nước khuyến khích phát triển, có thể không cần điều tiết hoặc điều tiết ít hơn (chẳng hạn, Nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho khoản thu nhập từ hoạt động nghiên cứu phát triển của DN). Trong khi đó, đối với những khoản thu nhập đến từ các hoạt động, lĩnh vực không được khuyến khích phát triển, Nhà nước có thể sẽ có những can thiệp mạnh mẽ hơn (chẳng hạn như, điều tiết thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNDN bổ sung...). Việc xác định phạm vi điều chỉnh của thuế phù hợp sẽ kích thích sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng sử dụng tối ưu mọi nguồn lực của quốc gia, phát huy tốt các lợi thế so sánh của đất nước trong sản xuất kinh doanh. Đây là một cơ sở quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Xác định thuế suất phù hợp

Việc xác định mức thuế suất phù hợp là vô cùng quan trọng. Một mặt, thuế suất phù hợp sẽ đảm bảo cả quyền lợi của Nhà nước và người nộp thuế, từ đó khuyến khích họ phát triển sản xuất kinh doanh. Mặt khác, thuế suất phù hợp sẽ tạo điều kiện để DN có nguồn lực tài chính tốt, đứng vững trong cạnh tranh một cách lâu dài.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc xác định một mức thuế suất thấp sẽ dẫn tới hậu quả làm giảm số thu thuế cho ngân sách nhà nước (NSNN). Do đó, mức thuế suất như thế nào là phù hợp, vừa đảm bảo cân đối ngân sách, vừa khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội cụ thể và đặt nó trong tương quan với mức thuế của các nước trong khu vực.

Áp dụng thuế suất ưu đãi

Thuế suất ưu đãi là thuế suất ở mức thấp hơn so với thuế suất phổ thông. Về nguyên tắc, thuế suất ưu đãi chỉ thực sự phát huy hiệu quả trong trường hợp thuế trực thu (đặc biệt là thuế TNDN), tức là khi khoản thuế thu nhập phải nộp giảm đi, DN sẽ thu được mức lợi nhuận sau thuế cao hơn. Điều này cho phép DN có thể huy động thêm nguồn tài chính để đầu tư đổi mới, nâng cấp máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất, hoặc thậm chí có thể hạ giá bán hàng hoá để giành lợi thế trong cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu thuế suất ưu đãi áp dụng cho những ngành, lĩnh vực không có điều kiện thuận lợi trong kinh doanh thì nó chỉ có thể giảm bớt phần nào khó khăn cho DN, giúp DN có được điều kiện kinh doanh tương đương với các DN ở các ngành, khu vực khác mà chưa hẳn đã tạo ra ưu thế tuyệt đối trong cạnh tranh cho DN.

Ngoài ra, thuế suất ưu đãi có thể phát huy tác dụng đối với một số sắc thuế gián thu nhất định, khi thuế cấu thành trong giá các yếu tố đầu vào của sản xuất, chẳng hạn như thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu để sản xuất hàng hoá. Khi đó, việc áp dụng thuế suất ưu đãi sẽ có tác dụng làm giảm chi phí đầu vào, do đó giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm đi. Đây là cơ sở để DN hạ giá bán, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm được kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của chính DN.

Áp dụng chế độ miễn, giảm

Miễn, giảm thuế là việc Nhà nước miễn một phần hoặc toàn bộ số thuế phải nộp dành cho những đối tượng nộp thuế xác định. Hình thức này thường được áp dụng trong trường hợp Nhà nước khuyến khích phát triển ngành nghề, lĩnh vực nào đó hoặc chiếu cố đến hoàn cảnh khó khăn của đối tượng nộp thuế, hoặc thậm chí là để giải quyết một số chính sách xã hội.

- Đối với hình thức miễn, giảm thuế có thời hạn: Những ưu điểm chính của loại hình này là: tạo ra môi trường thuế minh bạch đối với nhà đầu tư; mang lại lợi ích lớn cho DN mới thành lập nếu sớm hoạt động có lãi; giảm động cơ sử dụng vốn vay trong trường hợp miễn thuế, bởi việc trừ tiền lãi vay khi xác định thu nhập chịu thuế không còn nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, hình thức này có bốn nhược điểm lớn: (i) Không tác động mạnh tới các DN có vốn đầu tư ban đầu lớn; (ii) Nguy cơ trốn tránh thuế nếu không có quy định chặt chẽ; (iii) Người được lợi nhất là các DN có tỷ suất lợi nhuận cao, bởi họ vẫn quyết định đầu tư, ngay cả khi không được miễn, giảm - khuyến khích thành lập DN mới hơn là đầu tư có chiều sâu và đầu tư mở rộng sản xuất; (iv) khó xác định số thu thuế bị giảm do thực hiện miễn, giảm thuế.

- Đối với hình thức miễn thuế cho một số phần thu nhập nhất định: Các ưu điểm chính gồm: khuyến khích đầu tư có chiều sâu, đầu tư mở rộng sản xuất; tác động của nó không bị giới hạn bởi quy mô đầu tư vốn hay lĩnh vực kinh doanh của DN. Các nhược điểm chính của hình thức này gồm: (i) Phức tạp trong việc tính toán số miễn, giảm; (ii) Khó xác định số thu bị giảm khi thực hiện miễn, giảm thuế.

- Đối với hình thức miễn, giảm các loại thuế gián thu: Trong một số trường hợp có tác dụng tốt, chẳng hạn miễn thuế nhập khẩu cho hàng hoá sản xuất hàng xuất khẩu giúp tiết giảm chi phí của hàng hoá xuất khẩu. Nhược điểm chính của hình thức này: (i) Khó xác định số thu bị giảm khi thực hiện miễn, giảm thuế; (ii) Ít phát huy tác dụng trong trường hợp miễn thuế GTGT do đầu ra vẫn bị đánh thuế ở những khâu tiếp theo.

Tín dụng thuế đầu tư

Đây là phương thức mà Nhà nước cho DN vay một phần thuế TNDN để phục vụ đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Nhà nước sẽ thu hồi số thuế này qua các kỳ kinh doanh tiếp theo. Phương thức này vừa trực tiếp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN do việc khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, làm tăng năng suất lao động và tăng chất lượng sản phẩm; đồng thời, tạo tiềm lực tài chính giúp DN được hưởng tín dụng thuế đầu tư, giành lợi thế trong cạnh tranh.

Về cơ bản, hình thức này có hai ưu điểm chính: (i) Có thể sử dụng linh hoạt vì nó cho phép sớm thu hồi vốn đầu tư; (ii) Có thể tính toán rõ ràng lợi ích mà DN được hưởng. Nhược điểm của hình thức này là không mang lại lợi ích tức thời cho DN hoạt động bị lỗ và chỉ có lợi đối với các DN đang kinh doanh có lãi.

Bảo hộ thuế quan

Theo phương thức này, Nhà nước đánh thuế vào hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu vào một quốc gia. Theo đó, hàng hoá trong nước sẽ thu được lợi thế so sánh về giá cả do hàng hoá nước ngoài phải chịu thuế nên giá bán sẽ tăng lên. Thậm chí, Nhà nước có thể áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu có giá bán quá thấp, phá giá thị trường, để bảo toàn năng lực cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ nội địa.

Ưu điểm chính của hình thức này gồm: Góp phần ổn định thị trường nội địa; tạo tâm lý an tâm cho DN sản xuất trong nước; tăng thu cho NSNN. Tuy nhiên, hình thức này còn tồn tại một số nhược điểm như: (i) Dễ tạo ra sức ỳ, sự ỷ lại vào Nhà nước từ phía các DN sản xuất trong nước; (ii) Không thực sự phù hợp trong điều kiện nền kinh tế mở.

Trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế sâu rộng, khi mà phần lớn các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước được loại bỏ, thì biện pháp bảo hộ nhằm hỗ trợ cho sự cạnh tranh của hàng hoá nội địa bị hạn chế đi rất nhiều và cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Như vậy, bằng các phương thức tác động nhất định, chính sách thuế có thể góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các DN. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng chính sách thuế cũng mang lại hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, cần có sự nhận thức thấu đáo những ưu điểm và hạn chế của công cụ này nhằm sử dụng đúng cách và đạt hiệu quả cao nhất trong sự phối hợp đồng bộ với các công cụ khác.

Một số ưu, nhược điểm

Ưu điểm

Một là, sử dụng chính sách thuế sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích của đối tượng nộp thuế là các DN và tổ chức, cá nhân kinh doanh, do đó sẽ khuyến khích các DN kinh doanh theo định hướng của Nhà nước, đảm bảo sự phát triển cân đối của nền kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.

Hai là, sử dụng chính sách thuế để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thường thể hiện rõ quan điểm, thiện chí của Nhà nước đối với các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế, từ đó tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư.

Ba là, nhìn chung các phương thức sử dụng chính sách thuế để tác động tới các DN thường có tác động nhiều mặt: (i) Tác động tới yếu tố tiền đề của năng lực cạnh tranh, đó là khả năng tài chính; (ii) Tác động đến trình độ trang bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, trình độ quản lý... và hướng tới mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Nhược điểm

Thứ nhất, việc sử dụng chính sách thuế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN thường dẫn đến sự sụt giảm số thu thuế vào NSNN do việc Nhà nước áp dụng các ưu đãi hoặc giảm thuế.

Thứ hai, nếu xác định các phương thức khuyến khích không hợp lý có thể vừa không đảm bảo cân đối ngân sách, vừa tạo điều kiện để các đối tượng nộp thuế thực hiện các hành vi trốn, tránh thuế (do tạo ra sự khác biệt trong chính sách thuế đối với các đối tượng khác nhau).

Thứ ba, nếu lạm dụng biện pháp bảo hộ dựa trên thuế quan, có thể dẫn đến sự ỷ lại của các DN sản xuất nội địa. Tuy nhiên, cùng với quá trình mở cửa hội nhập kinh tế, các quốc gia đều phải tiến tới xoá bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Khi đó, số DN được bảo hộ quá lâu sẽ khó có thể cạnh tranh được với hàng hoá, dịch vụ của DN nước ngoài. Qua trường hợp này, có thể thấy sự phản tác dụng của việc lạm dụng chính sách thuế.

Điều kiện sử dụng chính sách thuế để nâng cao năng lực cạnh tranh DN

Phải tuân thủ các thông lệ quốc tế

Mở cửa hội nhập là xu thế tất yếu của mọi nền kinh tế, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài quá trình này. Để hội nhập kinh tế quốc tế, cần phải tuân thủ theo “luật chơi” quốc tế, đó là những thông lệ quốc tế. Thuế là một trong những công cụ quản lý của Nhà nước, do đó không thể nằm ngoài quy luật này. Việc sử dụng chính sách thuế để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN không được làm trái với các thông lệ quốc tế.

Phải bình đẳng trong đối xử về thuế

Việc sử dụng chính sách thuế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN phải bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, thành phần kinh tế. Theo đó, ưu đãi thuế cần hướng tới một số ngành, lĩnh vực chứ không phải hướng tới một số DN cụ thể; ưu đãi thuế không phân biệt theo thành phần kinh tế hay tính chất sở hữu của DN.

Phải đảm bảo cân đối NSNN

Việc thay đổi thuế suất, áp dụng các ưu đãi, miễn, giảm thuế... đều dẫn tới một hệ quả về phía Nhà nước là làm giảm số thu từ thuế. Điều kiện này đòi hỏi khi Nhà nước sử dụng các biện pháp ưu đãi thuế, vẫn phải bảo đảm đủ số thu cho nhu cầu chi tiêu quốc gia, có như vậy Nhà nước mới thực hiện tốt chức năng của mình, từ đó đảm bảo sự phát triển chung của kinh tế quốc gia. Như vậy, việc điều chỉnh chính sách thuế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN phải dự báo được ảnh hưởng của sự điều chỉnh đó đến số thu từ thuế, có kế hoạch bù đắp số giảm thu và điều chỉnh cơ cấu, mức độ chi tiêu...

Phải đồng bộ các chính sách kinh tế của nhà nước

Việc sử dụng chính sách thuế phải đồng bộ với các chính sách kinh tế - tài chính của Nhà nước và phải có sự phân định rõ ranh giới trong sử dụng chính sách thuế với các chính sách khác.Điều này đảm bảo phát huy tác dụng của các chính sách thuế do tránh được tác động ngược chiều từ các chính sách khác, hoặc tránh được việc vô hiệu hoá chính sách thuế do những quy định mâu thuẫn với các chính sách khác. Hơn nữa, sự phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế khác của Nhà nước cũng là một điều kiện tiền đề để thực thi các chính sách thuế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.