Chờ metro giải cứu kẹt xe

Theo Trung Khanh/sggp.org.vn

Các tuyến metro đang và sắp triển khai xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, bao gồm giúp giải quyết nạn kẹt xe trầm kha.

Phối cảnh đường xuống tàu điện ngầm trong tương lai tại TP. Hồ Chí Minh
Phối cảnh đường xuống tàu điện ngầm trong tương lai tại TP. Hồ Chí Minh

Chờ về đích

Một khi đi vào hoạt động vào năm 2021 như dự kiến, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) sẽ trở thành tuyến vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn đầu tiên tại TPHCM và cả nước. Đồng thời tuyến metro số 1 cũng như các tuyến metro khác lần lượt triển khai xây dựng sau đó được giao trọng trách hỗ trợ, giải quyết tình trạng kẹt xe đang ngày càng trở nên bức bối tại đô thị lớn nhất nước.

Tuyến đường sắt đô thị số 1, chặng Bến Thành - Suối Tiên là dự án có vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong đó vốn ODA chiếm 88,4% trong tổng vốn đầu tư 236.626 triệu yen Nhật, tương đương 47.325,2 tỷ đồng, tức xấp xỉ 2,49 tỷ USD.

Dự án bao gồm xây dựng đoạn tuyến đi ngầm dài 2,6km từ khu vực chợ Bến Thành đến Nhà máy Ba Son (cũ) và 17,1km đoạn tuyến đi trên cao từ Nhà máy Ba Son đến khu vực Suối Tiên. Công trình bao gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và trạm bảo hành kỹ thuật (depot) cung cấp và lắp đặt các thiết bị đầu máy, toa xe, hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động…

Theo Quyết định số 4480/QĐ-UBND ngày 21-9-2011 của UBND TPHCM, dự án hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2018, nhưng có sự chậm trễ trong công tác giải tỏa, cũng như phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành sao cho đảm bảo tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị khác, như tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, nên thời gian xây dựng hoàn thành toàn bộ dự án sẽ đưa vào vận hành trong năm 2021.

Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được chia làm 5 gói thầu, tất cả đều đã khởi công. Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, xác nhận đến nay tất cả các hạng mục đang thi công của dự án đều được giám sát chặt chẽ, thi công đến đâu tổ chức nghiệm thu theo quy định và đều đạt yêu cầu chất lượng. Các kiểm tra chất lượng bao gồm kiểm tra vật liệu đầu vào, nén mẫu bê tông, kết quả siêu âm, kích thước hình học của các bộ phận kết cấu…

Không những thế, trong quá trình thi công gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến Nhà hát Thành phố, một hệ thống quan trắc đã được lắp đặt ở khu vực nhà ga Nhà hát Thành phố để theo dõi mức độ an toàn của quá trình thi công. Cụ thể là bố trí 6 giếng quan trắc mực nước ngầm, 6 cảm biến quan trắc áp lực nước lỗ rỗng, 8 cảm biến quan trắc nghiêng tường vây, 13 cảm biến đo biến dạng trong tường vây, 51 mốc quan trắc lún nhà, 115 mốc quan trắc lún nền, 9 cảm biến đo nghiêng tự động…

Mới nên khó

Việc chờ đợi và kỳ vọng vào tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên nói riêng và các tuyến đường sắt nội đô khác nói chung là điều dễ hiểu, nhưng nếu chỉ nhìn thấy ở loại phương tiện vận tải hành khách công cộng tân tiến này toàn một màu hồng thì sẽ là một sự lạc quan vội vã.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sẽ xuất hiện một nghịch lý liên quan đến giá vé metro: giá vé thấp thì lỗ nặng, còn giá vé cao thì không thu hút được người dân, mà nếu không thu hút được đông hành khách thì metro cũng sẽ lỗ.

Nói cách khác, khả năng lỗ của metro ít nhất trong thời gian đầu vận hành là rất lớn, đặc biệt khi chưa xây dựng được một hệ thống metro liên hoàn, nối kết và bao phủ rộng khắp. Hiệu quả về giao thông vận tải có thể thấy ngay, nhưng hiệu quả về kinh tế tài chính chắc chắn còn là câu chuyện dài. Ngay tại các nước phát triển giàu có, metro cũng chưa bao giờ là dự án sinh lãi.

Kinh phí đầu tư cho các tuyến metro thường tính tới tỷ USD, trong khi giá vé không thể lấy quá cao, như thế tất yếu sẽ dẫn đến yêu cầu có trợ giá từ nhà nước.

Trong vấn đề thu hút hành khách, ngoài việc giá vé phải vừa khả năng chi trả của người dân còn có yêu cầu khác là tính liên thông, liên hoàn của hệ thống metro. Thế nhưng, mãi đến năm 2021 tuyến metro số 1 mới khai thác, các tuyến metro còn lại vẫn chưa có lịch biểu khởi công, hoàn thành rõ ràng, vì thế yêu cầu về sự thuận tiện khi sử dụng metro sẽ còn hạn chế, ít nhất xét dưới góc độ nối kết một cách hệ thống.

Điều này đồng nghĩa tối thiểu trong vài ba năm đầu sau khi khai thác tuyến metro số 1, tình trạng thiếu sức hút hành khách đến với metro có thể xảy ra. Không có gì lạ khi hệ thống metro phủ kín chưa đủ thì một bộ phận không nhỏ người dân sẽ còn do dự lựa chọn phương tiện này để đi lại.