Chọn động lực phát triển từ tuyến hành lang kinh tế

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Ngày 8/10, Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020 chính thức được công bố. Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc phân định rõ các tuyến hành lang phát triển là cơ sở để các địa phương trong vùng lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư phù hợp.

Phóng viên: Thưa ông, động lực cho phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc trong Quy hoạch Tổng thể được xác định là gì?

Chọn động lực phát triển từ tuyến hành lang kinh tế - Ảnh 1
Ông Đặng Huy Đông,
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trước hết, phải khẳng định rõ, Quy hoạch Tổng thể nhằm làm rõ tiềm năng, lợi thế của vùng, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế nhằm phát huy hiệu quả các mối liên kết giữa các địa phương trong vùng, lựa chọn những ngành, lĩnh vực và lãnh thổ có vai trò động lực để tập trung phát triển làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Với vị trí địa lý, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đối với khu vực phía Bắc và cả nước, Quy hoạch Tổng thể đã xác định tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu…

Cụ thể hơn, thưa ông?

Trung du và Miền núi phía Bắc là vùng giàu tài nguyên khoáng sản, trong đó có những loại có trữ lượng lớn và có khả năng đầu tư chế biến sâu, như apatit (100%), đồng (70%), đất hiếm (gần 100%)… Đây là cơ sở rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.

Đây cũng là vùng có địa hình đa dạng, quỹ đất chưa sử dụng còn lớn, có các tiểu vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới phù hợp với phát triển đa dạng nông nghiệp, du lịch (như chè ở Tuyên Quang, Thái Nguyên hay du lịch hồ nước lớn ở Núi Cốc, Ba Bể, Cấm Sơn, du lịch leo núi ở Sa Pa, Tam Đảo…) Có thể nói, đây là tiềm năng nổi trội của vùng trong thu hút nguồn lực phục vụ cho các kế hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương và của cả vùng.

Đặc biệt, chủ trương đẩy mạnh hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” đang được Chính phủ hai nước quan tâm, tiếp tục tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế đối ngoại của các tỉnh nằm trong tuyến hành lang nói riêng và cho cả vùng nói chung, nhất là trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa khu vực ASEAN và Trung Quốc đang được đẩy mạnh.

Như vậy, có thể nói rằng, việc phát triển theo các tuyến hành lang kinh tế là điểm nổi trội trong định hướng phát triển kinh tế vùng này, thưa ông?

Với dải biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào, khu vực này có thể coi là cửa ngõ cho các tuyến giao thương giữa ASEAN và Trung Quốc. Với thế mạnh này, Quy hoạch Tổng thể đã xác định các trung tâm kinh tế dựa trên các tuyến hành lang như tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu; tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Cao Bằng và tuyến hành lang kinh tế các tỉnh biên giới phía Bắc gồm 7 tỉnh (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La).

Cùng với đó, việc phát triển đô thị và tổ chức lãnh thổ sẽ theo hướng phát triển các tiểu vùng như Ttiểu vùng Tây Bắc, Tiểu vùng Đông Bắc, đi cùng theo đó là các trọng điểm ưu tiên đầu tư. Ví dụ, Tiểu vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là địa bàn trọng điểm thủy điện quốc gia, phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng đồng, sắt, nickel và đất hiếm, trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp đặc biệt cao su, cây dược liệu, cây ăn quả…

Với cách thức phát triển kinh tế theo các tuyến, trách nhiệm trong thực hiện Quy hoạch Tổng thể sẽ không chỉ là các địa phương trong vùng, thưa ông?

Theo nhiệm vụ được phân công, các địa phương trong vùng chủ động rà soát điều chỉnh, bổ sung và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020 phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch vùng.

Trong đó, tiêu chí phù hợp với khả năng huy động tài chính và sắp xếp thứ tự ưu tiên cần được thể hiện rõ để là cơ sở cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch.

Các bộ, ngành tùy theo chức năng cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực, nhằm đảm bảo các công việc được phân giao trong Quy hoạch, tạo cơ sở để các địa phương thực hiện đúng lộ trình các kế hoạch đầu tư của mình.

Đặc biệt, cơ chế phối hợp giám sát, kiểm tra thực hiện Quy hoạch sẽ được đẩy mạnh. Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý công tác quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quản lý ngành sẽ thống nhất tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch này.