Chọn lọc dự án đầu tư

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Thay vì thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ồ ạt như thời gian qua, trong giai đoạn tới VN chỉ thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư xung quanh vấn đề này.

Chọn lọc dự án đầu tư
Việt Nam sẽ có một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch và hiệu quả hơn. Nguồn: internet
PV: Thưa Thứ trưởng, đề án lựa chọn đối tác chiến lược, lựa chọn nhà đầu tư  do Bộ KH-ĐT làm đầu mối triển khai thực hiện trong đó lưu ý tới việc chọn lọc các dự án đầu tư. Vậy Thứ trưởng có thể cho biết, định hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới?

Thứ trưởng Đào Quang Thu: Định hướng thu hút ĐTNN của Việt Nam trong thời gian tới sẽ  là thu hút đầu tư có chọn lọc. Chúng ta chỉ thu hút các dự án có chất lượng, có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, các dự án trong những ngành, lĩnh vực mà chúng ta đang cần phát triển như  công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp... Theo đó, chọn lọc được các dự án có chất lượng thì Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN, đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Qua đó, tháo gỡ những nút thắt hiện nay của nền kinh tế trong thu hút ĐTNN, đó là cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhằm thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.

Hiện dự thảo nghị quyết liên quan đến lĩnh vực này đang trong quá trình triển khai. Theo đó, Chính phủ sẽ cải thiện lĩnh vực này, sửa lại tiêu chí quy định về công nghệ cao và công nghệ nguồn; đưa ra những ưu đãi riêng cho các dự án trong lĩnh vực này.

Thưa Thứ trưởng, việc thu hút ĐTNN của Việt Nam đang có xu hướng phải cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực... Vậy theo Thứ trưởng đây có phải là nguyên nhân khiến nguồn vốn FDI vào Việt Nam chậm lại?

Không riêng gì Việt Nam, cạnh tranh trong thu hút ĐTNN đang diễn ra rất gay gắt giữa các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Và Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với một số nước láng giềng khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Myanmar, thậm chí cả Lào và Campuchia.

Tôi cho rằng cạnh tranh là một xu hướng tất yếu. Và điều này tác động tích cực đối với Việt Nam tạo động lực lớn cho chúng ta cải thiện luật pháp, chính sách, môi trường đầu tư. Qua đó, Việt Nam sẽ có một môi trường đầu tư lành mạnh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn.

Chúng ta chỉ thu hút các dự án có chất lượng, có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, các dự án trong những ngành, lĩnh vực mà chúng ta đang cần phát triển như  công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp...

Về  thu hút đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại là do tác động từ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam thì nguồn vốn đăng ký còn vốn đầu tư thực hiện thì vẫn được duy trì đều ở mức 10,5 – 11 tỉ USD trong những năm qua. Điều này thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn ổn định. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa chúng ta hài lòng với chính mình mà phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình hình thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua?

Trong 6 tháng đầu năm 2013 giải ngân của các dự án FDI đạt 5,7 tỉ USD tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2012. Không những vốn giải ngân tăng mà vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm cũng đạt 10,47 tỉ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2012. Đây đúng là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn của chúng ta trong năm nay.

Con số giải ngân tích cực nêu trên cho thấy rằng các nhà đầu tư đã có những nhìn nhận và nhận định tích cực về triển vọng đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới nên đã mạnh dạn giải ngân vốn để triển khai các dự án đầu tư mặc dù bối cảnh kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là một tín hiệu rất tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa vốn giải ngân trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Thứ trưởng !