Chống chuyển giá: Kỳ vọng từ phương thức APA

Hồng Nhung

TCTC Online - Năm 2006, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Việc thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể góp phần thúc đẩy sự tăng trường và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình các doanh nghiệp FDI “lỗ giả, lãi thật” kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước.

“Lỗ giả, lãi thật”?

Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Bên cạnh những tác động tích cực, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt cũng không ít thách thức. Một trong những yêu cầu đặt ra là, công tác quản lý thuế phải có những thay đổi để phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, góp phần tăng cường quản lý, giám sát công tác quản lý thuế nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia về quyền thu thuế. Nổi lên trong đó là vấn đề chống chuyển giá.

Với chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, các doanh nghiệp FDI đã trở thành một phần tích cực trong các thành phần kinh tế đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong những năm gần đây, tình hình các doanh nghiệp FDI “lỗ giả, lãi thật” kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước. Tình hình chuyển giá đã và đang là một thực trạng đáng báo động ở Việt Nam hiện nay.

Theo kết quả báo cáo, trong năm 2011, Tổng cục Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 856 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và xử lý giảm lỗ 4.400 tỷ đồng (tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ), truy thu thuế và phạt 1.650 tỷ đồng (tăng 4 lần so với cùng kỳ)... Đây chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế. Điều này cho thấy quy mô và mức độ vi phạm của các doanh nghiệp có xu hướng ngày một gia tăng và nghiêm trọng hơn, do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ Tài chính và ngành Thuế đặt ra cho năm 2012 tới đây là sẽ kiên quyết xử lý tình trạng chuyển giá, báo lỗ để trốn thuế của các doanh nghiệp.

Ông Thomas McClelland, chuyên gia thuế Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam cho rằng: “Khó khăn của cơ quan thuế tại Việt Nam trong việc thực hiện kiểm soát về chuyển giá bắt nguồn từ sự kém hiểu biết về hoạt động chuyển giá và sự thiếu dữ liệu trong những giao dịch chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Bởi vậy cơ quan thuế của Việt Nam phải làm chủ được các cơ sở dữ liệu phức tạp này thì mới xử lý triệt để vấn đề chuyển giá”.

Quyết liệt chống chuyển giá

Vừa qua, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đã soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó việc dự kiến áp dụng cơ chế thỏa thuận xác định giá trước (APA) đã thể hiện quyết tâm của toàn ngành Thuế cũng như Bộ Tài chính trong vấn đề chống chuyển giá.

Lâu nay, nhiều quan điểm cho rằng, khó khăn lớn nhất trong chống chuyển giá, là làm sao xác định được giá thị trường, giá giao dịch độc lập. Chính vì vậy, việc thỏa thuận xác định giá trước (APA) sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho công tác chống chuyển giá ở Việt Nam.

Theo cơ chế này, doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá khi thực hiện mua - bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế, cơ quan thuế Việt Nam (có thể phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam) sẽ giám sát, kiểm soát để chống gian lận chuyển giá.

Ông  Cao Anh Tuấn,  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng đây là phương pháp mới chưa áp dụng tại Việt Nam. Về cơ bản, thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế và người nộp thuế từ 3 - 5 năm. Phương pháp xác định giá tính thuế được ban hành trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế. Để ký kết được đàm phán cũng mất từ 1 - 2 năm, sau đó triển khai thỏa thuận mất thêm khoảng 2 - 3 năm.

Ông Tuấn cho biết thêm, “Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện thí điểm đối với Samsung và một số doanh nghiệp FDI khác. Samsung thực hiện kê khai số liệu chi phí, giá thành, giá bán… tạo nên lợi nhuận tại Việt Nam được 3 năm. Tuy nhiên do mới chỉ đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có thỏa thuận ký kết nên chưa ảnh hưởng đến kết quả nộp thuế. Việc thỏa thuận cũng chỉ có thể thực hiện sau khi luật sửa đổi được ban hành”.

Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai quyết liệt việc kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá nhưng hiệu quả chưa cao vì chuyển giá từ giao dịch quốc tế khá phúc tạp, thiếu thông tin để chứng minh vấn đề gian lận giá mua – bán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, không chỉ khối doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá hoặc không trung thực trong việc kê khai, quyết toán thuế nhằm mục tiêu biến lãi thật thành lỗ giả để trốn thuế, mà không ít doanh nghiệp trong nước cũng sử dụng các “mánh khoé” trên để trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Theo bà Nguyễn Vân Chi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế), để kiểm sát vấn đề này theo nguyên tắc giá thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa tuân thủ pháp luật cả ở nước nhận đầu tư và ở nước xuất khẩu vốn, hiện tại, các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… đã thực hiện APA. Theo cơ chế này, doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua - bán hàng hoá, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế có thể phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế. Cụ thể, trước khi tiến hành giao dịch, cơ quan thuế và doanh nghiệp thoả thuận trước về giá hàng hoá, dịch vụ để tính thuế hoặc cơ quan thuế và cơ quan thuế nước ngoài, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính xác định lợi nhuận của toàn tập đoàn, trong đó có lợi nhuận do công ty con tại Việt Nam đem lại và đánh thuế theo mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được tại Việt Nam.

Để tránh tình trạng cán bộ thuế và doanh nghiệp thỏa thuận giá trước để trục lợi, hiện nay, Bộ Tài chính đang kiến nghị nâng thời hạn xử lý vi phạm về thuế từ 5 năm lên 10 năm. Tức là, sau khi thanh tra, cơ quan thuế phát hiện ra giá thoả thuận không theo giá thị trường, thì tiến hành truy thu thuế 10 năm trở về trước (tính từ thời điểm tiến hành thanh tra) và tiến hành xử lý cán bộ thuế cố tình vi phạm.

Việc bổ sung cơ chế APA tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác hành thu, khai thác hiệu quả bảo vệ nguồn thu trên cơ sở doanh nghiệp đa quốc gia được hưởng ưu đãi đầu tư, được tiếp cận và khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính với xã hội.