Chống đô la hóa

Theo vir.com.vn

Một nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra nhằm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là đề xuất và trình Chính phủ các giải pháp nhằm giảm tình trạng đô la hoá.

Theo đó, hướng phương tiện thanh toán duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam là đồng tiền Việt Nam, chuyển dần quan hệ huy động – cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.

Cần nhắc lại rằng, tình trạng đô la hóa của nền kinh tế đã được nhắc đến từ lâu và nhiều lần trên các diễn đàn. Hiện tại, Việt Nam là một trong các quốc gia có tình trạng đô la hoá cao, và đây là nguyên nhân quan trọng gây ra những xáo trộn, tác động mạnh tới tỷ giá, thị trường ngoại hối chính thức thời gian qua.

Đầu năm 2010, trong bài viết đăng trên Báo Đầu tư bàn về tình trạng đô la hóa và tỷ giá hối đoái của Việt Nam, GS. TSKH Nguyễn Mại khẳng định rằng, những biến động về tỷ giá hối đoái và tác động tới nền kinh tế có nguyên nhân quan trọng từ tình trạng đô la hoá.

Hơn nữa, đô la hóa không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề chủ quyền quốc gia, phân phối lợi ích dân tộc, nhất là khi có xung đột lợi ích quốc gia, đồng ngoại tệ mạnh hoàn toàn có thể được sử dụng như một vũ khí kinh tế để gây nhiều tác động và ảnh hưởng khác.

Điều đáng lo ngại là, nền kinh tế Việt Nam đã và đang tồn tại hàng loạt yếu tố tác động và làm gia tăng tình trạng đô la hoá. Đó là nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa thật bền vững, hiệu quả đầu tư thấp; đặc biệt nhập siêu còn cao, cán cân thanh toán tổng thể vẫn thâm hụt lớn, cân đối vĩ mô chưa thật ổn định... Thêm vào đó, việc nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng ngoại tệ - chủ yếu là USD để giao dịch, định giá, niêm yết, thanh toán các mặt hàng giá trị… càng khiến tình trạng đô la hoá trở nên trầm trọng.

Đó là chưa kể, với tâm lý găm giữ, đầu cơ USD của người dân và doanh nghiệp, trong khi cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, một thị trường USD phi chính thức đã tồn tại dai dẳng, tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Dễ thấy là, mỗi khi có biến động về tỷ giá thì các ngoại tệ, nhất là USD lại gia tăng vai trò trên thị trường.

Mặc dù Chính phủ chủ trương theo đuổi chính sách quản lý ngoại hối theo định hướng nhất quán “trên thị trường Việt Nam chỉ giao dịch bằng đồng Việt Nam”, cơ quan chức năng cũng thanh tra, kiểm tra và xử lý một số trường hợp vi phạm, nhưng thực tế, việc giao dịch bằng USD vẫn rất phổ biến, tâm lý kỳ vọng vào tỷ giá USD tăng vẫn còn nặng nề.

Nói vậy để thấy rằng, giải quyết tình trạng đô la hoá phải bắt đầu từ gốc, yếu tố tiên quyết là phải ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị đồng nội tệ. Bởi khi thâm hụt thương mại còn cao thì nhu cầu ngoại tệ thanh toán còn lớn; tỷ lệ lạm phát còn cao, làm giá trị thực của VND giảm sút, thì niềm tin vào giá trị đồng nội tệ còn sụt giảm, tạo điều kiện cho tình trạng đô la hoá gia tăng.

Trước mắt, để hạn chế tình trạng này, cần phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng ngoại tệ, tiến tới chấm dứt tình trạng cho vay và huy động USD. Về lâu dài, cần hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối một cách toàn diện, không chỉ dừng lại ở chính tiền tệ như hiện nay.