Chủ động đẩy nhanh giải ngân vốn cho đầu tư phát triển

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Trả lời kiến nghị cử tri về đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc giải ngân gắn với quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, Bộ Tài chính cho biết vấn đề này luôn được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao.

 Chủ động đẩy nhanh giải ngân vốn cho đầu tư phát triển
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách luôn là ưu tiên của Bộ Tài chính. Nguồn: Internet
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2012, tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng, Chính phủ đều có chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc giải ngân các dự án sử dụng vốn NSNN, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ; đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; tăng cường các biện pháp huy động và giải ngân vốn ODA, FDI.

Đồng thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2012 theo kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương (về thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư, về điều kiện, thủ tục thanh toán...); vừa đảm bảo yêu cầu đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư theo quy định của pháp luật và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ.

Riêng đối nguồn vốn ODA, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các nguyên tắc huy động vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược phát triển ngành. Chính phủ cũng đã nâng cấp Tổ công tác ODA thành Ban Chỉ đạo các dự án ODA do một Phó Thủ tướng là Trưởng ban, thường trực là đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên là Lãnh đạo các bộ, ngành và một số địa phương tham gia quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi.

Định kỳ, Ban Chỉ đạo tổ chức họp kiểm điểm chung và kiểm điểm theo chuyên đề (dự án của nhà tài trợ, dự án của ngành…) để đôn đốc đẩy nhanh các dự án, đề ra biện pháp tháo gỡ và xử lý nếu các vấn đề vượt thẩm quyền các bộ, ngành hoặc các vấn đề vướng mắc chung (giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng…).

Trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai kế hoạch và đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; chủ động nắm bắt, tổng hợp, báo cáo kịp thời các vướng mắc, đề xuất giải pháp hợp lý tháo gỡ khó khăn trong triển khai kế hoạch; thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân (như tọa đàm và giao ban về thực hiện kế hoạch và giải ngân, công khai giải ngân...).

Về cơ chế quản lý, thanh toán vốn đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành đồng bộ các Thông tư và văn bản hướng dẫn thực hiện theo hướng vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ các nguồn vốn, vừa đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi góp phần hỗ trợ các chủ đầu tư, chủ dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Mới đây, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, yêu cầu đã và đang đặt ra đối với công tác quản lý chi đầu tư phát triển hiện nay là thực hiện tái cơ cấu và rà soát, sắp xếp lại các dự án để có phương án bố trí hợp lý, tập trung vốn của Nhà nước cho các công trình quan trọng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư nhằm tạo cú hích cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, xử lý hiệu quả nợ xấu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2013 của các bộ, cơ quan Trung ương; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện cắt giảm dự toán chi đối với những trường hợp phân bổ chậm hoặc không đúng quy định; đồng thời tham gia rà soát hoàn thiện quy định pháp luật về phân cấp và quản lý đầu tư công.

Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới đây gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết kết quả giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA 4 tháng đầu năm đạt khá. Về vốn FDI, trong 4 tháng đầu năm, vốn thực hiện ước đạt 3,75 tỷ USD, tăng 3,9% với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký ước đạt khoảng 8,22 tỷ USD, tăng 17%, trong đó: vốn đăng ký cấp mới đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 14,6%, vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,35 tỷ USD, tăng 20,7%.

Vốn ODA 4 tháng, ước giải ngân đạt 450 triệu USD, bằng 10,4% dự kiến giải ngân cả năm 2013. Trong đó: vốn vay ước đạt 400 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 50 triệu USD.