Chủ động đón làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản

Theo hanoimoi.com.vn

70% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản có dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Để đón làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản, TP Hà Nội đã giới thiệu các lĩnh vực kêu gọi đầu tư, đồng thời thành lập "Bàn Nhật Bản" để cung cấp thông tin cho DN đến từ quốc gia này.

Riêng đối tác Nhật Bản, dự báo có hơn 70% DN đang hoạt động ở Việt Nam và Hà Nội dự định mở rộng quy mô kinh doanh trong tương lai gần.
Riêng đối tác Nhật Bản, dự báo có hơn 70% DN đang hoạt động ở Việt Nam và Hà Nội dự định mở rộng quy mô kinh doanh trong tương lai gần.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Vũ Tiến Lộc, dự báo sẽ xuất hiện làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam, nhờ tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hà Nội, với thế mạnh là trung tâm kinh tế, giao thương của khu vực phía Bắc, có thể sẽ là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài.

"Các đối tác trong nước cần chủ động đón nhận đợt dịch chuyển cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, để tận dụng ưu đãi thuế suất theo cam kết của TPP" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Riêng đối tác Nhật Bản, dự báo có hơn 70% DN đang hoạt động ở Việt Nam và Hà Nội dự định mở rộng quy mô kinh doanh trong tương lai gần. Sở dĩ vậy là nỗ lực gia tăng chất lượng môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý, hướng tới đẳng cấp hàng đầu khu vực của chính quyền Việt Nam.

Việc Hà Nội tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, sự quyết tâm thúc đẩy cải cách thể chế, thật sự đồng hành cùng DN để mở rộng quy mô thu hút đầu tư nước ngoài; nhất là đối với lĩnh vực du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế - đơn vị kết nối DN Hà Nội và Nhật Bản, hiện có nhiều công ty dược phẩm, môi trường nước đang nghiên cứu khả năng đầu tư vào Hà Nội.

DN Nhật Bản cũng rất quan tâm tới dự án thiết kế và trang trí cảnh quan đô thị, làng nghề ở Thủ đô theo chuẩn hiện đại nhưng vẫn phát huy được nét độc đáo truyền thống.

"Ở lĩnh vực du lịch, hai bên đang trao đổi khách hai chiều và DN Nhật Bản đang nghiên cứu khả năng tham gia dự án du lịch và dịch vụ tại Hà Nội, bởi họ nhận thấy sự hấp dẫn của bề dày lịch sử, cảnh quan và nét đặc sắc, giá trị văn hóa phi vật thể" - bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết.

Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội Katsuro Nagai khẳng định, việc chủ động hợp tác giữa DN hai nước thông qua những dự án cụ thể chính là hành động thực tế của mối quan hệ chiến lược song phương.

Ngoài công trình giao thông, DN Nhật Bản mong muốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, gồm cả xây dựng, kinh doanh cơ sở lưu trú cùng các dịch vụ liên quan. "Nhìn chung, nếu chuẩn bị tốt thì cơ hội hợp tác cho DN Hà Nội và Nhật Bản rộng mở, hứa hẹn kết quả khả quan" - ông Katsuro Nagai nhận xét.

Đón đầu làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã giới thiệu tới các DN Nhật Bản tiềm năng du lịch của thành phố; cung cấp thông tin, "gọi" đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; các khu công nghiệp Nam Hà Nội, Phú Nghĩa; đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao tại Đông Anh, tuyến đường sắt đô thị số 6, Bệnh viện quốc tế tại Gia Lâm và logistic (tiếp vận) tại Sóc Sơn, cùng một số dự án có chủ trương thu hút đầu tư thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Hà Nội cũng đã thiết lập và vận hành suôn sẻ "Bàn Nhật Bản" để cung cấp thông tin dành riêng cho DN Nhật Bản. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các dự án PPP vẫn sẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư do đáp ứng được yêu cầu làm chủ hoàn toàn các công đoạn và tự chủ trong quá trình đầu tư…

Về mối quan hệ đầu tư giữa Nhật Bản và TP Hà Nội, trong một tiếp xúc mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã khẳng định, Hà Nội luôn coi trọng và mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng bộ hóa các chính sách, cơ chế, với những biện pháp cụ thể hỗ trợ DN Nhật Bản hoạt động có hiệu quả.

Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu cải cách hành chính, chất lượng thực hành công vụ đối với đội ngũ cán bộ, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc hỗ trợ DN, thân thiện với DN để Hà Nội trở thành điểm đến của giới đầu tư Nhật Bản.