Chủ động gia tăng xuất khẩu: Tạo động lực phát triển

Hồng Sơn

(Tài chính) Năm 2015, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu khi nền kinh tế hội nhập sâu, rộng hơn sau khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những đối tác thương mại hàng đầu thế giới. Các chuyên gia nhận định, mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng xuất khẩu vẫn sẽ là mảng sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm 2015...

May mặc là một trong những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn. Ảnh: Viết Thành
May mặc là một trong những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn. Ảnh: Viết Thành
Hiếm có đối tác thương mại nào có kết quả và tốc độ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh như Hoa Kỳ. Theo đó, năm 2014 nước này nhập siêu gần 25 tỷ USD và xu hướng tăng cường nhập khẩu vẫn tiếp tục diễn ra trong năm nay cũng như những năm tới. Vấn đề là DN trong nước cần chủ động hơn nữa, tận dụng cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường có sức mua lớn nhất thế giới…

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 24% so với năm trước và là mức tăng trưởng "trong mơ" đối với hầu hết các đối tác khác. Kết quả trên cũng đưa Việt Nam vượt lên trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất khu vực, chiếm vị trí cao hơn cả các đối tác thương mại truyền thống của Hoa Kỳ thuộc ASEAN như Thái Lan, Malaysia.

Đến nay, các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào việc mở rộng quy mô xuất khẩu hàng Việt sang thị trường này, bởi nền kinh tế cũng như giới tiêu dùng nước sở tại đang lấy lại tốc độ tăng trưởng. Hiện, một số loại hàng Việt Nam đã khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình như thủy sản, nông sản, đồ gỗ, nhất là hàng dệt may…

Riêng mặt hàng dệt may Việt Nam đang đạt kim ngạch gần 10 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào thị trường Hoa Kỳ. Thực tế này chứng tỏ thế mạnh của mặt hàng truyền thống này. Dự kiến, mức xuất khẩu hàng dệt may sẽ còn tăng mạnh hơn khi Việt Nam và Hoa Kỳ cùng tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - có thể ký kết vào cuối năm nay. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đang có các đơn vị chuyên làm hàng dệt may sẽ góp phần lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của một số ngành liên quan trên diện rộng...

Xét từ góc độ địa phương, các thành phố lớn cũng đang tập trung nguồn lực, nghiên cứu biện pháp hoặc đề ra kế hoạch tăng cường xuất khẩu trong năm 2015. Đơn cử, Hà Nội vừa ban hành kế hoạch và một số biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn.

Theo đó, thành phố xác định hai thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ và Nhật Bản, đồng thời đang hồi phục khá rõ rệt. Bên cạnh đó, DN Hà Nội rất cần chuẩn bị tốt về mọi mặt, như công nghệ, kỹ năng quản lý, nguồn lực tài chính để đón lõng FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như TPP. UBND thành phố chủ trương thực hiện một số chính sách gồm: Hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư cho các DN, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, chính quyền thành phố đặt ưu tiên hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý. Lãnh đạo thành phố cũng chủ động duy trì các cuộc giao ban, nắm bắt tình hình của DN để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm nay sẽ tăng 8,5% so với kết quả của năm trước, tương đương 12 tỷ USD.

Các địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương… cũng chú trọng công tác hỗ trợ DN, xác định đó là đối tượng phục vụ theo tinh thần cải cách hành chính. Cụ thể, các đơn vị quản lý sẽ phải đáp ứng một số nhu cầu thiết thực của cộng đồng DN, tập trung vào vấn đề giải quyết thủ tục hải quan, thuế, đăng ký DN, cung cấp thông tin về quy định, pháp luật cũng như công khai về quy hoạch, danh mục dự án có thể kêu gọi sự tham gia của DN thông qua hình thức hợp tác công - tư.

Trên thực tế, mỗi địa phương đều vào cuộc, xác định những đầu việc cần làm để trợ giúp DN, đồng thời cũng là tự cải thiện thứ hạng trong bảng tổng sắp về đánh giá sức cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2015. Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2015 phải là năm tạo ra bước chuyển mạnh đối với công tác quản lý, có tính dấu ấn trong việc hỗ trợ DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị sản xuất và xuất khẩu.

Như vậy, xuất khẩu vừa là mục đích, vừa là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Việc chủ động gia tăng kim ngạch xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia kết hợp với chuyển dịch và tái cơ cấu nền kinh tế.