Chủ động hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tăng cường hội nhập kinh tế, thông qua việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là định hướng thiết thực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Vì vậy, lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập sâu sắc hơn trong khối ASEAN sẽ không chỉ phụ thuộc vào vai trò định hướng của Nhà nước, mà yếu tố then chốt quyết định thành công là sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ động hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Tăng cường hội nhập kinh tế, thông qua việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Nguồn: internet

Theo Bộ Công thương, trong vòng 1 thập kỷ qua, kim ngạch thương mại Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên đến gần 40 tỷ USD vào năm 2013. Những năm gần đây, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Năm 2013, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và EU, với kim ngạch 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước đó.

Trong 3 tháng đầu năm nay, ASEAN tiếp tục duy trì vị trí đạt được của năm ngoái, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN thời gian qua đang có chiều hướng chậm lại, một trong những lý do là các ưu thế về xuất khẩu với khối thị trường truyền thống có vị trí địa lý gần gũi này, như các ưu đãi từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chưa được tận dụng tối đa.

Riêng với các năm 2014 - 2015 là giai đoạn nước rút của ASEAN để tiến đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), được kỳ vọng vào cuối năm 2015. ASEAN đang đứng trước triển vọng tăng cường hơn nữa vị thế của mình, trở thành khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp cần hết sức linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng dự kiến từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế của mình với khối thị trường ASEAN và với các thị trường khác, trong đó có các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Chia sẻ kinh nghiệm về cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho rằng, cơ hội mở ra rất lớn cho các doanh nghiệp khi Việt Nam hội nhập sâu vào AEC đang được kỳ vọng ra đời vào cuối năm 2015. Đó là, việc xuất khẩu sang các nước ASEAN sẽ thuận lợi gần như bán hàng trong nước, giúp nâng cao tính minh bạch, đồng thời giảm bớt thời gian cho thủ tục xuất nhập khẩu, từ đó thuận lợi hơn trong việc hưởng ưu đãi thông qua cải cách thủ tục xuất xứ, tiến tới cho phép tự chứng nhận xuất xứ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước sẽ tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước ASEAN cũng như các đối tác ngoài ASEAN, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu, hình ảnh. Cùng với việc tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành và giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có thể nhận những đơn hàng lớn.

Mặc dù đón đầu nhiều cơ hội do AEC mang lại, song các chuyên gia khuyến cáo, sẽ có 5 thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đó là: cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao. Trong đó, với nhóm các nước ASEAN 6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines), hàng hóa chịu sự cạnh tranh cao như tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã.

Phó vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình dương, Bộ Công thương Phạm Thị Hồng Thanh cho rằng, để vượt qua được những thách thức cũng như tận dụng những thuận lợi do cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại, những nỗ lực từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước sẽ không đủ, nếu thiếu sự chủ động của các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chủ động nâng cao năng lực kinh doanh cho phù hợp với điều kiện và môi trường kinh doanh.

Vì vậy, khi hoạch định chiến lược, các doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu chiến lược dài hạn và mục tiêu cụ thể cho từng năm. Đây là một vấn đề rất quan trọng của hoạch định chiến lược và là cái đích mà các biện pháp chiến lược cần đạt tới, tránh trường hợp đưa ra mục tiêu chung chung không rõ ràng, khó xác định việc hoạch định chiến lược sẽ không đạt được hiệu quả. Sau khi xác định được mục tiêu chiến lược, doanh nghiệp cần phải xác định rõ các nội dung chiến lược và các biện pháp để phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh doanh xuất khẩu với khối thị trường ASEAN đầy tiềm năng, đang hứa hẹn nhiều vận hội mới.