Chủ động hội nhập để phát triển

Theo ciem.org.vn

(Tài chính) Mốc thời gian hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến gần. Ngay từ bây giờ, các ngành hàng, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt tốt cơ hội, cũng như vượt qua thách thức.

Chủ động hội nhập để phát triển
Mốc thời gian hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến gần. Nguồn: internet
Sau một loạt hội nghị liên quan, diễn ra từ ngày 6/3, hôm nay (8/3), Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 (AEM 19) chính thức khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU), cùng khoảng 600 đại diện của giới doanh nghiệp Việt Nam và các nước. Cùng với AEM 19, hôm nay và ngày mai (9/3) còn diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - EU lần thứ 3 và Hội thảo Gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề “Tiềm năng thương mại và cơ hội đầu tư giữa ASEAN và EU”.

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực cùng các nước trong khu vực thực hiện lộ trình xây dựng AEC vào năm 2015. “Cùng với ASEAN, Việt Nam đang tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. AEC và các FTA ASEAN+1 đang và sẽ đem lại những tác động nhiều chiều, nhất là trong dài hạn, đối với thương mại và đầu tư của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định.

Theo Thứ trưởng Tú, về thương mại, thúc đẩy xuất khẩu là tác động lớn nhất và quan trọng nhất mà các FTA này mang lại. Thông qua các FTA, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã, đang và sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thực tế, các hiệp định FTA đã góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với ASEAN và với các đối tác của ASEAN. Trong giai đoạn 2006 - 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ (các đối tác ASEAN+) đạt bình quân hơn 20%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung (khoảng 15%) và cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu trong cùng thời kỳ. Do hiệu ứng của FTA, diện mặt hàng xuất khẩu sang một số đối tác, như ASEAN, Ấn Độ và Nhật Bản, đã đa dạng hơn.

AEC và các FTA ASEAN+1 đã có tác động tích cực tới việc mở rộng thị phần của hàng Việt Nam trên các thị trường có liên quan, rõ nhất là tại các nước ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thị phần của hàng Việt Nam trên các thị trường này đã tăng mạnh sau khi các FTA có hiệu lực. Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc tận dụng các ưu đãi về thuế trong các FTA. Tỷ lệ hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuộc mức cao so với các đối tác trong khu vực và luôn có xu hướng tăng lên qua các năm. Riêng với thị trường Hàn Quốc, trên 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế thông qua FTA ASEAN - Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nói trên, khi Việt Nam mở cửa theo FTA, sẽ có những sản phẩm, ngành hay lĩnh vực phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Thậm chí, sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được. Đây là thực tế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà các quốc gia tham gia phải chấp nhận, miễn là lợi ích thu được phải luôn lớn hơn chi phí của việc thay đổi cơ cấu do cạnh tranh.

FTA là câu chuyện "có đi, có lại", muốn các nước mở cho mình, thì cũng phải cân nhắc mở cửa cho họ. Do đó, việc đàm phán phải cân đối giữa nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước. Do vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta đã đưa một số mặt hàng nông sản cần bảo hộ vào danh mục các mặt hàng có lộ trình giảm thuế nhập khẩu dài hơn, thậm chí là loại trừ ra khỏi phạm vi cam kết.

Trên thực tế, không phải tới năm 2015, Việt Nam mới bắt đầu thực hiện các FTA với ASEAN và ASEAN+. Đơn cử, với hầu hết nông, thủy, hải sản chưa chế biến, ngay từ năm 2008, Việt Nam đã áp dụng thuế nhập khẩu 0% cho các mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN và Trung Quốc theo Chương trình "Thu hoạch sớm". Do đó, những lo ngại cho rằng, tới năm 2015, lĩnh vực này sẽ rất khó khăn có phần chưa chính xác.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn xuất siêu sang Trung Quốc các mặt hàng thuộc Chương trình "Thu hoạch sớm" và đa số nông sản Việt Nam vẫn giữ được thế cạnh tranh trên thị trường nội địa. Nhập khẩu từ Trung Quốc, về cơ bản, chỉ là bổ sung cho những thời điểm sản xuất trong nước bị thiếu hụt…

Mốc thời gian hướng tới việc thành lập AEC cũng như hoàn thành các hiệp định FTA ASEAN+1 đang đến gần. Việc thực hiện các thỏa thuận này mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng đặt họ trước sức ép cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi phải cải thiện năng lực kinh doanh, marketing, xây dựng thương hiệu… Do đó, ngay từ bây giờ, các ngành hàng, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa để nắm bắt tốt những cơ hội và vượt qua những thử thách mà các FTA này mang lại.