Chủ động sân chơi toàn cầu

PGS.TS Nguyễn Văn Trình - TS. Trần Huy Hiếu

(Tài chính) Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa. Hội nhập quốc tế có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng và phát triển kinh tế, vừa là kết quả, vừa là yếu tố cực kỳ quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước nâng lên trình độ mới.

Chủ động sân chơi toàn cầu
Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa. Nguồn: internet

Kết quả chưa tương xứng

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong hội nhập, trở thành quốc gia có vị trí cao trong khu vực và tham gia vào các tổ chức quốc tế lớn như Liên hiệp quốc và các định chế WTO, ASEAN, ASEM, APEC; đồng thời tham gia ký kết hàng hoạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Trong từng lĩnh vực cụ thể của kinh tế ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế phải khắc phục. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng thời gian tới, Việt Nam xác định quan điểm chủ động hội nhập có hiệu quả nhất, tận dụng mọi lợi thế do hội nhập tạo ra và hạn chế đến mức thấp nhất những thách thức đặt ra, nâng cao năng lực cạnh tranh trên mọi lĩnh vực.

Để nâng cao chất lượng  nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhất thiết phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, chạy chọt vào các vị trí tuyển dụng. Phải xây dựng cơ chế sử dụng và đãi ngộ nhân tài trên cơ sở thi tuyển khách quan, dựa trên các tiêu chí bình đẳng, để chọn lựa người thực tài vào các chức danh của bộ máy quản lý nhà nước.

Tuy vậy, môi trường kinh doanh và đầu tư nước ta đến nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập, chưa thông thoáng, chưa hấp dẫn các nhà kinh doanh, đầu tư lớn trong và ngoài nước, thể hiện ở những điểm sau: Hạ tầng cơ sở kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế và dân sinh, luôn trong tình trạng quá tải; cơ chế quản lý hành chính còn nặng thủ tục, rườm rà, các văn bản chồng chéo, không nhất quán gây khó khăn cho các nhà kinh doanh, đầu tư trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc phát triển đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Thị trường tài chính - tiền tệ chưa mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn tài chính lớn.

Tỷ lệ đầu tư gián tiếp tư nhân nước ngoài ở Việt Nam còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1% trong tổng đầu tư nước ngoài. Việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) còn nhiều bất cập do khó khăn trong chính sách đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng; còn hiện tượng tham nhũng, bớt xén, rút ruột công trình, vừa gây mất lòng tin đối tác cho vay, vừa gây bức xúc trong Nhân dân.

Đột phá các điểm mấu chốt

Trước yêu cầu hội nhập mở rộng thời gian tới, trong 2 năm 2014 và 2015 cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp luật chơi quốc tế và thể chế kinh tế thị trường. Điểm mấu chốt trong công tác xây dựng luật là các bộ luật được ban hành phải có hiệu lực và đi vào đời sống kinh tế - xã hội ngay, không phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Thực hiện được điều này sẽ là bước đột phá trong cải cách thể chế, tránh tình trạng “nợ xấu” văn bản hướng dẫn thi hành luật như hiện nay, làm cho luật khi ban hành không được thực hiện kịp thời, thậm chí các văn bản hướng dẫn nhiều khi trái với nội dung luật, gây bức xúc trong Nhân dân.

Để phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại trong hội nhập quốc tế, đất nước phải có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Và để huy động mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, điều cần thiết là phải thực hiện minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tăng cường kiểm tra kiểm soát việc vay và sử dụng vốn vay một cách có hiệu quả.

Thực tế đòi hỏi phải kiên quyết chống lãng phí và tham nhũng để lấy lại niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước, niềm tin của Nhân dân vào tiền thuế của mình được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Điểm mấu chốt nữa là phát triển nguồn nhân lực để hội nhập thành công.

Chất lượng nguồn nhân lực cao, thấp không chỉ quyết định bởi hệ thống giáo dục - đào tạo mà còn phụ thuộc vào cơ chế sử dụng nguồn nhân lực. Với cơ chế sử dụng và đãi ngộ nhân tài hiện nay ở Việt Nam, nhất là ở các cơ quan nhà nước, không thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về kinh tế vĩ mô cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường và điều hành theo lạm phát mục tiêu và tăng trưởng kinh tế mục tiêu; thực hiện chính sách ổn định tỷ giá đồng Việt Nam linh hoạt theo tín hiệu thị trường trong nước và các biến động trên thị trường thế giới, tránh tình trạng dồn nén tỷ giá cũng như phá giá mạnh tiền đồng.

Về định hướng dài hạn, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng cơ chế hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo mô hình một ngân hàng trung ương như ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Chính phủ cần thực hiện các chính sách trong khuôn khổ các FTA để hỗ trợ DN tham gia chuỗi hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu; đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện Luật Chống bán phá giá, chống trợ cấp trong khuôn khổ cho phép của WTO để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của hàng hóa ngoại nhập khi thực hiện các FTA.

Việt Nam cũng cần tạo thế chủ động bằng cách tích cực thực hiện các chương trình tuyên truyền hội nhập, tạo sự thích ứng hội nhập của quan chức chính quyền các cấp, thiết lập những quy tắc ứng xử phù hợp thông lệ quốc tế trong đời sống kinh tế - xã hội.