Chủ động vào cuộc để bình ổn giá

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tết Giáp Ngọ năm nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ cuối năm 2013, toàn ngành Tài chính đã chủ động vào cuộc để bình ổn giá cả. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác báo cáo giá và nguồn cung hàng hóa cho thị trường.

 Chủ động vào cuộc để bình ổn giá
Từ cuối năm 2013, toàn ngành Tài chính đã chủ động vào cuộc để bình ổn giá cả. Nguồn: internet

Ngành Tài chính sớm triển khai bình ổn giá

Triển khai công tác chỉ đạo bình ổn giá trong dịp Tết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Chỉ thị chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.

Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; kịp thời tham mưu trình UBND tỉnh giải pháp bình ổn thị trường, không để xảy tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá đột biến.

Công tác đăng ký giá, kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá... cũng được Sở Tài chính các tỉnh tăng cường triển khai theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị như Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Dự trữ khu vực trên phạm vi công tác triển khai các biện pháp để kiểm tra, kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường.

Nhiều tỉnh chấp hành nghiêm chế độ báo cáo giá

Dịp trước Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo của 44/63 UBND tỉnh, thành phố về việc ban hành các Chỉ thị, Thông báo triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, kế hoạch thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh nhằm chuẩn bị và tổ chức chu đáo phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền.

Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chế độ báo cáo như: Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đắc Nông, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Phú Yên, Tây Ninh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Sơn La, An Giang, Kon Tum, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam, Sơn La, Đắc Lắc, Điện Biên, Yên Bái, Thái Bình, Đồng Tháp, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Cà Mau, Hà Giang, Gia Lai, Quảng Bình, Hải Dương, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Quảng Nam, Lai Châu, Bình Thuận, Lào Cai, Hậu Giang, Bình Định.

Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh thành phố, nguồn cung hàng hóa đã được chuẩn bị sớm và khá chu đáo. Tính đến ngày 25/1/2014, đã có 53/63 địa phương có kế hoạch chuẩn bị Tết. Ngoài lượng hàng dự trữ với số kinh phí được hỗ trợ, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết trên cả nước ước đạt khoảng 180- 200 nghìn tỷ đồng.

Các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trước, trong và sau Tết; chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố đã tăng cường thực hiện Chương trình bình ổn giá cả thị trường kết hợp với đưa hàng Việt về nông thôn, xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần hỗ trợ vốn vay từ ngân sách Nhà nước; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; Kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá.

Triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, có 39 địa phương đã triển khai thực hiện từ các nguồn: ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính, cho doanh nghiệp vay và hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí 1.095,5 tỷ đồng.

Trong đó, tạm ứng ngân sách địa phương cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá là 706,4 tỷ đồng. Tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá là 363 tỷ đồng. Cho doanh nghiệp vay và hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá là 26,1 tỷ đồng.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục chú trọng tổ chức tốt hệ thống phân phối (với gần 8.600 chợ, 700 siêu thị và 125 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi) để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn.