Chưa thể xanh hóa dòng vốn đầu tư

Thanh Hằng

Các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới hiện quản lý lượng tài sản trị giá 37.000 tỷ USD đều không đưa ra được chiến lược kinh doanh phù hợp để thực hiện mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Các quỹ đầu tư vẫn có xu hướng đầu tư vào các công ty phát triển sử dụng các công nghệ kém thân thiện môi trường.
Các quỹ đầu tư vẫn có xu hướng đầu tư vào các công ty phát triển sử dụng các công nghệ kém thân thiện môi trường.

Đây là kết luận trong báo cáo phân tích của Công ty tư vấn InfluenceMap có trụ sở tại Anh. 

Vẫn đầu tư vào “công nghệ nâu”

Báo cáo của InfluenceMap chỉ rõ, các quỹ trên kiểm soát tới 1/5 tổng giá trị thị trường vốn thế giới, song các danh mục đầu tư của các quỹ này vẫn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như ô tô, than đá - những lĩnh vực được xem là đối nghịch với mục tiêu kiềm chế mức tăng của nhiệt độ Trái đất dưới 20C,  theo Hiệp định Paris. Cụ thể, hoạt động đầu tư sản xuất than đá của các quỹ đang ở mức cao hơn 30% so với mức hạn chế.

Tiến hành phân tích hoạt động đầu tư của 50.000 quỹ được niêm yết thuộc quyền kiểm soát của 150 tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, các chuyên gia phát hiện, có khoảng 8.200 tỷ USD được đầu tư vào các lĩnh vực khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá, sản xuất ô tô và năng lượng điện.

Ngoài ra, InfluenceMap còn phát hiện ra rằng ở những lĩnh vực này, các quỹ đầu tư vẫn có xu hướng đầu tư vào các công ty phát triển sử dụng các công nghệ kém thân thiện môi trường, hay còn gọi là “công nghệ nâu”, trong khi không coi trọng đầu tư vào công nghệ xanh và tái sinh.

Những năm gần đây đã xuất hiện một phong trào trên phạm vi toàn cầu về kêu gọi các nhà đầu tư ngừng rót vốn vào các ngành sử dụng và thăm dò nhiên liệu hóa thạch. Theo nhóm hoạt động chống biến đổi  khí hậu 350.org, giới đầu tư đã cam kết thoái vốn khoảng 11.000 tỷ USD. Tuy nhiên, sự phản đối đến từ các ngành công nghiệp truyền thống đã khiến tiến trình này gặp nhiều khó khăn. Các quỹ hưu trí và quản lý tài sản khi tìm cách giảm bớt các khoản đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch đã bị ngăn cản bởi các công ty nằm trong danh mục đầu tư của họ.

Theo InfluenceMap, đa số quỹ vẫn chưa thực hiện được cam kết xanh hóa danh mục đầu tư của họ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong ngành sản xuất ô tô - nơi vẫn có sự miễn cưỡng của giới quản lý trong việc xây dựng thêm các dây chuyền sản xuất xanh để chuyển đổi sang hướng thân thiện với môi trường. Trong năm 2018, các nhà sản xuất ô tô đã sản xuất 96 triệu xe, nhưng chỉ 1,4% trong số đó là xe chạy bằng điện (EV).

Rủi ro lớn hơn khủng hoảng tài chính 

Trong khi đó, 29 nhà đầu tư châu Âu, hiện quản lý số tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ bảng (khoảng 1.280 tỷ USD), đang hối thúc các công ty kiểm toán hàng đầu hành động khẩn cấp trước những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Các nhà đầu tư trên cảnh báo, việc không thực hiện những hành động đó có thể gây ra thiệt hại thậm chí còn lớn hơn một cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong bức thư gửi đến 4 công ty kiểm toán lớn là EY, Deloitte, KPMG và PwC, giới đầu tư bày tỏ quan ngại rằng biến đổi khí hậu đã bị “bỏ qua” trong hoạt động kế toán và kiểm toán. Trước đó, giới hoạch định và cơ quan giám sát kế toán đã nêu bật những rủi ro tiềm ẩn có hệ thống mà tình trạng biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy việc siết chặt hoạt động kiểm toán. 

Phản ứng trước hành động của các nhà đầu tư châu Âu, công ty EY cho biết sẽ đảm bảo rằng hoạt động kiểm toán có thể tiếp tục đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp và vì lợi ích của công chúng. Còn người phát ngôn của Deloitte cho biết, công ty nhận thức rằng biến đổi khí hậu là rủi ro lớn đối với khách hàng, đồng thời cho hay trong năm nay công ty đã đào tạo tất cả các kiểm toán viên về cách thức đưa yếu tố này vào quá trình kiểm toán.