Chuẩn bị tốt việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013 và chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014.

Chuẩn bị tốt việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014. Nguồn: internet

Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực

Ngày 2/12, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2013 có những chuyển biến, đạt kết quả tích cực. Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,34%, 11 tháng tăng 5,5% - thấp nhất trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt trên 121 tỷ USD, tăng 16,2%; nhập siêu được khống chế ở mức thấp, khoảng 96 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thu hút vốn FDI cũng rất khả qua khi tổng vốn đăng ký trong 11 tháng qua đạt gần 21 tỷ USD, tăng 54,2%; vốn thực hiện đạt gần 10,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Giải ngân ODA cũng đạt gần 4,04 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5,7% (cùng kỳ tăng 5,1%); 11 tháng tăng 5,6%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhưng vẫn ổn định... Tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới 11 tháng ước tăng 9,5% và có khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; lạm phát vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng trở lại; nợ xấu còn cao và xử lý còn chậm; dư nợ tín dụng tăng chậm so với kế hoạch; tổng cầu, sức mua còn yếu; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn thể hiện qua số doanh nghiệp ngừng hoạt động 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,4%.

Sản xuất khó khăn cũng ảnh hưởng đến thu NSNN. Theo đó, thu NSNN 11 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tăng 10%; trong khi chi NSNN đạt 88,6% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ.

Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu

Trong tháng 12/2013 và đầu năm 2014, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013 và chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014.

Theo đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó cần chú ý vào thời điểm cuối năm và đầu năm có thể xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến.

Tăng cường chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu hoàn thành kế hoạch NSNN năm 2013 theo dự toán được duyệt. Bộ Tài chính chủ trì có phương án chủ động, phù hợp bảo đảm cân đối ngân sách theo kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết.

Các bộ ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân các công trình cấp bách, cần thiết vào thời điểm cuối năm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và theo đúng quy định.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã đề ra, trong đó chú ý sức mua thường tăng mạnh vào cuối năm, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; đồng thời chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh...

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, ngay sau khi xảy ra bão, đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã nắm bắt thông tin từ địa phương và số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương để chỉ đạo kịp thời. Đến nay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện các biện pháp, trước hết phối hợp với chính quyền địa phương để đánh giá mức độ thiệt hại liên quan đến khoản vay của hệ thống ngân hàng. Và chỉ đạo các tổ chức tín dụng có chính sách miễn giảm lãi, cơ cấu khoản nợ, đề xuất khoanh nợ với những hộ dân bị thiệt hại do bão, lũ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành vốn đầu tư cho vay mới, khắc phục khó khăn.

"Đến nay, qua nắm bắt sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, trong 10 tỉnh thì thiệt hại liên quan tới khoản vay ngân hàng khoảng 1.500 tỷ đồng. Chúng tôi phân loại từng địa phương, từng lĩnh vực và cơ cấu nợ 300 tỷ đồng; khoản nợ miễn giảm lãi, khoanh nợ khoảng trên 200 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mạilớn đã triển khai cho vay mới, để khắc phục sản xuất, để ổn định đời sống vùng thiệt hại", Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết.

Để có các chỉ đạo kịp thời, cụ thể, sát hơn, cuối tuần qua Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã vào làm việc tại tỉnh Quảng Bình – địa phương có thiệt hại lớn nhất trong đợt bão lũ vừa qua. Cùng làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn có các lãnh đạo ngân hàng thương mạilớn để trực tiếp đánh giá thiệt hại. Sau buổi làm việc đó, Thống đốc đã có chỉ đạo và sẽ ban hành văn bản để tiếp tục chỉ đạo ngành Ngân hàng có giải pháp cơ cấu nợ, khoanh nợ, cho vay mới. Nếu quá thẩm quyền trong việc khoanh nợ, phân loại nợ, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ để có giải pháp trong thời gian tới.