Chuẩn hóa hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia

Hà Anh

Trong những năm qua, hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quan tâm triển khai và đạt được những kết quả bước đầu. Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc trình độ kỹ năng được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc tham chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới.

Người lao động trong khu công nghiệp cần được đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.
Người lao động trong khu công nghiệp cần được đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.

Chủ động nghiên cứu Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia

Các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bắt đầu được quy định tại Luật Dạy nghề năm 2006. Để hướng dẫn triển khai xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn và tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, 13 năm qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật để tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đồng thời, xây dựng ngân hàng đề thi, thiết lập các tổ chức đánh giá, phát triển đội ngũ đánh giá viên để thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.

Tính đến tháng 10/2018 đã ban hành 191 Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đã xây dựng và ban hành đề thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 83 nghề, trong đó: 31 nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại; 17 nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; 08 nghề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; 23 nghề thuộc lĩnh vực xây dựng và 03 nghề thuộc lĩnh vực y tế, các bộ đề thi đang được được cập nhật, bổ sung theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Đến nay, Tổng cục GDNN chỉ đạo triển khai đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho gần 10 triệu lượt người lao động tại 12 ngành nghề, trong đó đã có gần 4.000 lượt người lao động được đánh giá thí điểm; tập huấn đào tạo cấp thẻ đánh giá viên cho khoảng 1.220 người trở thành các đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia.  

Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã được hình thành và có những kết quả bước đầu. Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc trình độ kỹ năng được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc tham chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới. Hình thành hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc trình độ kỹ năng và thực hiện đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia cho một số nghề từ bậc 1 đến bậc 3 cho người lao động.

Thông qua việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, người lao động và doanh nghiệp xác định được những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và  kỹ năng thực hành công việc cũng như việc tuân thủ quy trình an toàn lao động và vệ sinh lao động, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện năng lực nghề nghiệp, nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi sang công việc phù hợp. Danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được ban hành sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu suất thực hiện công việc do sử dụng những người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hiện, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn và vệ sinh lao động khi thực hiện công việc.

Thông qua việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, người lao động và doanh nghiệp xác định được những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và  kỹ năng thực hành.
Thông qua việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, người lao động và doanh nghiệp xác định được những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và  kỹ năng thực hành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Chưa có một hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Việc xây dựng mới, cập nhật, chỉnh sửa bổ sung các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; Các nghề đã công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia chưa được xây dựng đầy đủ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài kiểm tra thực hành (hiện mới có 84/191 nghề có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được ban hành ngân hàng câu hỏi về đề thi thực hành)…

Tăng cường năng lực đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Tổng cục GDNN) chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung trọng tâm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường năng lực cho hệ thống các tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở các lĩnh vực nghề nghiệp theo nhu cầu của xã hội và các ngành công nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện rà soát và ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo quy định.

Thứ ba, đẩy mạnh việc xây dựng mới, cập nhập ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài kiểm tra thực hành cho khoảng 50 nghề; cập nhật bổ sung ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, đề thi thực hành cho khoảng 27 nghề.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 5.150 người theo nhu cầu; Thí điểm đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 141.300 người lao động đối với 50 ngành, nghề.

Thứ năm, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghề quốc gia của từng bậc trình độ đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) với sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và các hiệp hội nghề nghiệp; phấn đấu đến năm 2020, ban hành mới tiêu chuẩn nghề cho 100% ngành/nghề trọng điểm quốc gia, đến năm 2030 ban hành cho 100% ngành/nghề đào tạo.

Thứ sáu, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị cho cơ sở GDNN theo từng cấp độ cơ sở GDNN chất lượng cao, cơ sở GDNN tiếp cận trình độ ASEAN và cơ sở GDNN tiếp cận trình độ quốc tế, đến năm 2020 xây dựng xong và ban hành 100% bộ tiêu chuẩn cơ sở vật chất cho cơ sở GDNN.

Thứ bảy, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nhằm đánh giá và phân tầng chất lượng đối với trường chất lượng cao; trường tiếp cận trình độ khu vực ASEAN và quốc tế, chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo tiếp cận trình độ ASEAN và tiếp cận trình độ quốc tế.

Thứ tám, thực hiện chuẩn hóa các yếu tố đảm bảo chất lượng GDNN, trong đó tập trung đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới tổ chức đào tạo và đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong GDNN.

Đến nay, Tổng cục GDNN chỉ đạo triển khai đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho gần 10 triệu lượt người lao động tại 12 ngành nghề, trong đó đã có gần 4.000 lượt người lao động được đánh giá thí điểm; tập huấn đào tạo cấp thẻ đánh giá viên cho khoảng 1.220 người trở thành các đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia.