Bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN của Ngân hàng Nhà nước hiện nay

Chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

PGS,TS. Hoàng Văn Quỳnh - Học viện Tài chính

TCTC Online - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những tháng vừa qua đã thành công trong ổn định thanh khoản, tạo ra nguồn tiền dư thừa cho hệ thống NHTM nhưng vốn vẫn chưa đến được với DN. Việc giải quyết tình trạng trên không chỉ là bổn phận của NHNN mà các bộ, ngành khác cũng phải cùng chung tay đứng ra để tháo gỡ.

Phân tích tác động của các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước

Bước vào những tháng đầu năm 2012, ảnh hưởng của lạm phát cao và suy giảm tăng trưởng kinh tế năm 2011 bắt đầu lộ rõ làm cho khu vực doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn: thiếu vốn sản xuất, sức mua giảm, hàng tồn kho lớn... dẫn đến hàng loạt DN phải phá sản, giải thể và ngừng hoạt động. Đứng trước tính trạng sống dở, chết dở của các DN, các bộ, ngành đã vào cuộc và đưa ra rất nhiều các giải pháp khác nhau nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn, trong đó, đáng chú ý nhất là các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và của Bộ Tài chính.  Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin phép bàn luận về các giải pháp của NHNN:

Giảm trần lãi suất huy động.

Từ đầu năm 2012 đến nay, tốc độ tăng của lạm phát đã chậm lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát tính theo năm đã giảm từ 14.1% trong tháng 3 năm 2012 xuống còn 10.5% trong tháng 4 so với cùng kì năm 2011 và khả năng thanh khoản của các NHTM đã được cải thiện, thậm chí các NHTM đang nằm trong tình trạng thừa vốn không biết cho ai vay. Do vậy, vừa qua chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng NHNN đã 3 lần giảm trần lãi suất huy động từ 14%/năm xuống 13%/năm vào ngày 13/3/2012 và xuống 11%/năm vào ngày 28/5/2012. Thực chất của việc cắt giảm trần lãi suất huy động của NHNN là nhằm giúp các NHTM có điều kiện để giảm lãi suất cho vay và kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, động thái cắt giảm trần lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, kích thích tiêu dùng của NHNN trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế của Việt Nam hiện nay thì lại không có nhiều ý nghĩa, bởi:

(i) Hiện nay rất nhiều công chúng đang không có công ăn việc làm do hàng loạt DN bị giải thể, ngừng hoạt động nên đang không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp, giá cả của những mặt hàng thiết yếu lại tăng cao cho nên rất ít công chúng có tiền tiết kiệm để gửi mà việc gửi tiền vào các NHTM hiện nay chủ yếu là tiền gửi trú ẩn tạm thời vào ngân hàng của các nhà đầu tư, nhà đầu cơ trong khi thị trường vàng biến động khó lường, thị trường chứng khoán suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng. Chính vì thế, việc cắt giảm trần lãi suất huy động để đẩy mạnh tiêu dùng chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết, nhưng không có tác động trực tiếp đến tiêu dùng của đông đảo công chúng;

(ii) Trên thực tế lãi suất huy động thời gian gần đây của Chính Phủ thông qua phát hành trái phiếu Chính Phủ chỉ 8-9%/năm, lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng của NHNN chỉ còn 3-4%/năm và của các NHTM này huy động của NHTM khác 3 tháng là 9,6%, 6 tháng là 10%/năm, trong khi đó vốn huy động thông qua tiền gửi tiết kiệm vẫn quy định phải trả mức trần 11%. Do vậy, việc quy định trần lãi suất, giảm trần lãi suất huy động hiện nay không còn ý nghĩa trong xu hướng lạm phát giảm liên tục.

Gia hạn nợ và giảm lãi suất cho vay đối với các DN không trả được nợ đúng hạn.

Ngày 24/4/2012, NHNN có công văn gửi các tổ chức tín dụng. Với nội dụng duy nhất yêu cầu các tổ chức tín dụng cho phép các DN gia hạn nợ, xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhưng trên thực tế thì quy định này dường như vô nghĩa đối với các DN trong tình hình hiện nay. Bởi DN một khi đang không thể trả được nợ thì việc gia hạn nợ là điều hiển nhiên, nhất là khi khoản nợ gia hạn này vẫn phải tính lãi. Do vậy, việc NHNN kêu gọi các NHTM giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ quá hạn của DN hay một số NHTM đưa ra các gói tín dụng với lãi suất này, lãi suất kia như gói tín dụng 4.000 tỷ đồng với lãi suất 16%/năm của BIDV, gói tín dụng 7.000 tỷ đồng với lãi suất 17%/năm của ACB, .. chẳng qua chỉ là để đảm bảo lợi ích cho bản thân các ngân hàng, không hỗ trợ được gì đáng kể cho các doanh nghiệp, giống như một số báo chí đã cảnh báo “các ngân hàng đang giả vờ cứu doanh nghiệp”.

- Quy định trần lãi suất cho vay. Ngày 4/5/2012, NHNN ban hành thông tư số 14/2012/TT-NHNN quy định về trần lãi suất cho vay 15%/năm kể từ ngày 8/5/2012 và đến ngày 25/5/2012, NHNN lại ban hành quyết định số 1081/QĐ-NHNN về việc điều chỉnh lãi suất cho vay từ mức 15%/năm xuống 14%/năm và có hiệu lực từ ngày 28/5/2012 đối với VNĐ được áp dụng cho 4 lĩnh vực là DN sản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; nông nghiệp nông thôn và công nghiệp phụ trợ. Với phạm vi áp dụng là khá rộng mà theo tính toán của NHNN có thể có đến 99% số DN Việt Nam được tiếp cận với nguồn lãi suất thấp này. Việc khống chế trần lãi suất cho vay 15%/năm rồi lại giảm xuống 14%/năm đối với 4 lĩnh vực kinh tế là một tín hiệu đáng mừng và nhiều người cho rằng không những sẽ là cơ hội cho DN khi có nhu cầu về vốn mà dư nợ của các ngân hàng cũng có cơ hội gia tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, NHNN là người đưa ra mức trần lãi suất cho vay còn bộ tiêu chí phân loại DN để cho vay lại thuộc vào các NHTM nên cho DN vay hay không là quyền của các ngân hàng và hơn nữa không phải ngân hàng nào cũng muốn DN vay với mức trần lãi suất 14-15%/năm. Bởi bản thân NHTM cũng là DN nên phải bảo vệ lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh, đồng thời các ngân hàng đang khá thận trọng với rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng nên dù thừa vốn khả dụng, các ngân hàng vẫn chấp nhận mua trái phiếu Chính Phủ với lãi suất thấp hơn nhiều mức trần lãi suất huy động để đảm bảo an toàn thay vì chấp nhận rủi ro mở rộng tín dụng. Về phía các DN, trước bối cảnh thị trường ngày càng khó khăn hơn, khả năng trả nợ của các DN cũng đang yếu dần khiến các ngân hàng e ngại cho vay thêm vốn mới. Do vậy, để có thể vay được vốn các DN phải đáp ứng các điều kiện tín dụng khắt khe của các ngân hàng như:

(i) Ngân hàng quy định nếu DN đang có nợ quá hạn và tình hình tài chính không lành mạnh thì sẽ không được vay. Tiêu chuẩn này đã gạt bỏ cơ hội tiếp cận nguồn vốn thấp từ ngân hàng của khoảng 97% số lượng các doanh nghiệp;

(ii) Các ngân hàng quy định nếu cho vay mới, DN phải hoạt động kinh doanh có hiệu quả, phải có phương án kinh doanh khả thi và phương án trả nợ… thì hầu hết các DN không thể đạt được tiêu chuẩn quy định này. Chính vì thế, việc quy định trần và giảm trần lãi suất cho vay chưa thể khơi thông được dòng vốn tín dụng khi chưa giải quyết được vấn đề nợ xấu của các NHTM đang không ngừng tăng lên.

Cho phép các NHTM mua bán nợ xấu lẫn nhau.

Để xử lý các khoản nợ xấu ngày càng tiếp tục tăng cao trong nền kinh tế nói chung, trong các NHTM nói riêng, ngày 16/5/2012, NHNN đã ban hành văn bản số 2871/NHNN-TD, cho phép 14 NHTM lớn nhất hệ thống mua bán nợ lẫn nhau và của cả hệ thống. Nhưng xét đến cùng, điều này không thể giải quyết được một cách triệt để nợ xấu trong hệ thống NHTM và ở các DN mà chỉ có tác dụng chuyển dịch nợ xấu từ ngân hàng khó khăn hơn sang ngân hàng ít khó khăn và giúp một số NHTM giảm thiểu mất khả năng thanh khoản. Vấn đề ở đây là phải giải quyết được nợ xấu để cho nợ xấu không còn ở bảng cân đối tài sản của các NHTM và ở các DN.

Chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Từ sự phân tích trên và cùng với những gì đang diễn ra ở nền kinh tế, chúng ta có thể nhận thấy, NHNN trong những tháng vừa qua đã thành công trong ổn định thanh khoản, tạo ra nguồn tiền dư thừa cho hệ thống NHTM nhưng lại chưa giải quyết được vấn đề cấp bách nhất của nền kinh tế hiện nay là “DN suy kiệt nguồn vốn trong khi các NHTM lại đóng băng tín dụng” thì những biện pháp như: khống chế trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay, cắt giảm trần lãi suất tiền gửi,  tiền vay; cho phép các NHTM mua bán nợ xấu lẫn nhau; yêu cầu các NHTM cho vay với lãi suất thấp đối với các DN thuộc 4 lĩnh vực: sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ vẫn chưa phải là những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng nêu trên không chỉ là bổn phận của NHNN mà cả các bộ, ngành khác phải cùng chung tay đứng ra để tháo gỡ.

Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi cho rằng để giải quyết tình trạng DN đói vốn, tín dụng đóng băng thì giải pháp căn cơ nhất phải là giải quyết được vấn đề nợ xấu ở các NHTM và nợ quá hạn ở các DN mới có thể khơi thông được dòng vốn tín dụng, đưa vốn vào nền kinh tế. Kinh nghiệm giải quyết nợ xấu ở Thụy Điển là, quốc hội nước này cho phép Ngân hàng Trung ương mua nợ xấu của ngân hàng và DN; ở một số nước khác dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của ngân hàng và DN. Còn ở Nhật Bản vào năm 1988 giống như ở Việt Nam hiện nay, vốn của DN cũng suy kiệt và ngân hàng đóng băng tín dụng. Chính Phủ Nhật Bản lúc đó đã không cứu ngân hàng, không cứu DN mà chọn giải pháp tăng đầu tư công với hy vọng thông qua đầu tư công để phục hồi nền kinh tế, nhưng trên thực tế, nước Nhật Bản đã phải trả giá bằng 14 năm liên tục sản xuất đình đốn, nền kinh tế trì trệ. Từ kinh nghiệm của các nước, kết hợp với tình hình nợ xấu của nền kinh tế không những cao và ngày càng tăng (theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, nợ xấu ở Việt Nam vào khoảng 75-100 nghìn tỷ đồng), hàng tồn kho ở các DN lớn, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp… để giải quyết mua lại nợ xấu ở các DN hiện nay, phải sử dụng nhiều nguồn từ NHNN, Chính phủ và nguồn từ các NHTM. Cách thức xử lý mua lại nợ xấu ở DN có thể được thực hiện theo hướng phân loại các DN thành các nhóm để có phương án giải quyết cụ thể. Có thể phân DN thành 2 nhóm:

Nhóm thứ nhất là những DN có khả năng sản xuất kinh doanh tốt và có dự án kinh doanh khả thi, nhưng chưa muốn sử dụng vốn vay để đầu tư do hàng hóa tồn kho còn cao. Với nhóm DN này, các NHTM rất muốn cho họ vay tiếp tục đầu tư kinh doanh nhưng vì lãi suất vay vẫn còn cao, đầu ra của sản phẩm còn hạn chế nên họ chưa quyết định vay để đầu tư trung dài hạn mà chỉ vay vốn lưu động để duy trì hoạt động của DN. Do đó, để khắc phục tình trạng bế tắc cho các DN thuộc nhóm này, cần tiếp tục hạ trần lãi suất cho vay thêm nữa và có thể đến cuối năm nay, lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 12-13%/năm để khuyến khích các DN này mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhóm thứ hai là những DN có nhu cầu vốn nhưng do ít tài sản thế chấp, nợ xấu cao, đang điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm nên  không được NHTM cho vay. Các DN thuộc nhóm này chủ yếu là các DN nhỏ và vừa. Ở nước ta hiện nay, các DN nhỏ và vừa chiếm tới 70% tổng số các DN. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải tìm mọi cách làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của các DN này để đưa họ trở về chuẩn mực tín dụng, có thể bằng cách là NHNN, Chính phủ và các NHTM phải bỏ ra một khoảng tiền mua lại nợ xấu của DN thì DN mới có thể vay được khoản vay mới phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nhưng không phải tất cả các DN thuộc nhóm này đều được Chính phủ, NHNN mua lại nợ xấu mà chỉ những DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và những DN sử dụng nhiều lao động nhưng đang gặp khó khăn về tài chính mới được mua lại nợ xấu. Để tránh việc gây ra lạm phát trong tương lai, chúng ta có thể sử dụng các nguồn sau để mua lại nợ xấu:

* Nguồn từ phát hành tín phiếu NHNN để huy động vốn từ các NHTM vì các NHTM đang dư thừa vốn. Nguồn từ tín phiếu NHNN được sử dụng để mua lại nợ xấu của các DN thuộc diện ưu tiên trên, không bao hàm các DN nhà nước.

* Nguồn từ trái phiếu chính phủ. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn cho việc mua lại nợ xấu của DN. Nguồn vốn này được chuyển giao cho công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) để thực hiện mua lại nợ xấu ở các DNNN, nhưng chỉ thực hiện mua lại nợ xấu đối với các DNNN có khả năng phát triển, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và có sử dụng nhiều lao động.

* Nguồn từ quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM. Các NHTM trong nhóm “G14” sử dụng nguồn vốn từ quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng mình để mua nợ quá hạn ở DN của các ngân hàng khác để từ đó giảm bớt nợ xấu cho các DN. Tuy nhiên cách làm này chưa thực sự giải quyết được nợ xấu một cách triệt để, nhưng nó cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho nguồn vốn giải quyết nợ xấu từ Chính phủ và NHNN.

Bên cạnh các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nêu trên cũng cần phải có sự kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác để kịp thời tháo gỡ khó khăn, bế tắc cho nền kinh tế và cho DN như: Đẩy mạnh đầu tư công vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư kiên cố hoá kênh mương, đê điều, hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản. Đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho cho các DN, nhất là các DN sản xuất xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng nói chung; Thực hiện tốt việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… để hỗ trợ về mặt tài chính đang khó khăn tạm thời cho các DN. Đồng thời, cần nghiên cứu giảm thuế suất thuế thu nhập DN từ 25% xuống 20% để tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh cho DN. Nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng… Song hành với đó, bản thân các DN cần phải tái cấu trúc lại, tiết giảm chi phí kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác quản trị công ty, quản trị rủi ro.

Trên đây là những suy ngẫm có tính chất cá nhân nhằm góp phần vào việc tháo gỡ những khó khăn bế tắc của nền kinh tế và của các DN trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước hiện nay.