Chương trình bình ổn giá: Kết quả, hạn chế và hướng khắc phục

Thu Hà.

TCTC Online - Trong nhiều năm qua, chương trình bình ổn giá được thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước đã góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết để chương trình đạt hiệu quả tốt hơn.

Những kết quả khả quan

Trong nhiều năm qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ tết, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai khá tốt chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu.

Mục tiêu của Chương trình là tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, tránh thiếu hàng gây sốt giá, nhất là trong những dịp cao điểm như lễ, Tết…, qua đó góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.

Nội dung chủ yếu của Chương trình là Nhà nước (UBND cấp tỉnh) ứng vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi hoặc sử dụng ngân sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh, dự trữ lượng hàng hoá (thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Chương trình), bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả và các điều kiện khác của Chương trình; đăng ký giá và cam kết bán hàng bình ổn giá với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10% hoặc 15%; trường hợp giá thị trường có biến động cần điều chỉnh giá phải báo cáo cơ quan quản lý xem xét. Kết thúc thời gian thực hiện Chương trình, doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi vốn, hoàn trả lại Ngân sách địa phương.

Đi đầu trong triển khai chương trình bình ổn giá là TP.HCM. Năm 2002, với quy mô ban đầu chỉ 2 DN triển khai dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán với số lượng vốn vay là 45 tỷ đồng, đến nay, Chương trình bình ổn giá của TP.HCM đã tăng lên 20 DN tham gia và với vốn vay là 446 tỷ đồng. Chương trình bình ổn giá đã không ngừng được nhân rộng ra ở các địa phương, đến nay cả nước có 36 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình với số vốn vay khoảng 1.650 tỷ đồng. Năm 2011 cả nước có khoảng trên 4.600 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có khoảng 2.294 điểm bán hàng bình ổn giá tại khu vực chợ truyền thống, nông thôn (chiếm 50% trong tổng số điểm bán hàng bình ổn giá). Số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình cũng ngày càng tăng. Tính chung năm 2011 có khoảng 244 doanh nghiệp (kể cả cơ sở và hộ kinh doanh) tham gia, trong đó có 61 doanh nghiệp không nhận hỗ trợ về vốn của Nhà nước (chiếm 25% trong tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình).

Hai địa phương triển khai hiệu quả nhất của chương trình này là Hà Nội và TP.HCM đã nhận được sự đánh giá tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Giá bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các DN tham gia chương trình bình ổn tại các địa phương được giữ tương đối ổn định và đảm bảo thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10%. Hai năm liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 2 thành phố lớn đều thấp hơn CPI cả nước, điều này đã tạo định hướng rất tốt cho thị trường toàn quốc và các tỉnh lân cận góp phần hạn chế tăng mức giá chung, nhất là trong dịp lễ Tết...   

Nhìn tổng thể, chương trình bình ổn giá đã góp phần tích cực vào việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; đồng thời, có sức lan tỏa đối với các địa phương lân cận và trên phạm vi cả nước. Hiệu quả xã hội, việc làm, thu nhập, kiềm chế lạm phát của của Chương trình này là rất lớn, cụ thể:

+ Đối với mặt bằng giá: Chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM và Hà Nội được kiềm chế, phần lớn là thấp hơn hoặc tương đương chỉ số giá tiêu dùng của cả nước; qua đó, có sức lan toả đến các địa phương và khu vực lân cận; đồng thời, việc bình ổn giá của 2 thành phố có tác dụng chia sẻ cùng Trung ương trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát trên phạm vi cả nước và góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đối với các địa phương khác, ngoài tác dụng nhất định đến việc bình ổn giá mặt hàng thiết yếu, Chương trình còn mang nhiều ý nghĩa kinh tế- xã hội góp phần vào công tác kiềm chế lạm phát của cả nước.

+ Đối với người tiêu dùng: Chương trình bình ổn giá cho phép người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hoá thiết yếu với giá thấp hơn thị trường 5%-10% hoặc 15%, nhất là người lao động, người thu nhập thấp; Các tình huống thiếu hàng, sốt giá được hạn chế. Chương trình bình ổn giá ngày càng hướng đến phục vụ người có thu nhập thấp, tập trung vào người tiêu dùng ngoại thành, các khu công nghiệp, khu đông dân cư.  Hàng hoá trong Chương trình đều tập trung vào những hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

+ Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp tham gia chương trình chủ động bảo đảm nguồn hàng, dự trữ hàng hóa từ trước, tránh tình trạng khan hàng sốt giá nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, cũng như góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá trên thị trường; nâng cao uy tín, trách nhiệm và thương hiệu của doanh nghiệp; từ đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược kinh doanh hợp lý, bền vững. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bởi các mặt hàng trong chương trình này đều do các DN trong nước sản xuất.

Một số hạn chế và hướng khắc phục

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc thực hiện chương trình thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế:

- Thứ nhất, vốn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, kinh phí ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất 0% chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng mức lưu chuyển hàng hoá bình ổn trên địa bàn, từ đó hạn chế tác dụng bình ổn giá thị trường.

- Thứ hai, thời gian thực hiện hầu hết các địa phương (trừ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) chỉ tập trung trong vòng từ 3-4 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên Đán. Tại nhiều địa phương, điểm bán hàng bình ổn giá mới vẫn còn tập trung chủ yếu ở các trung tâm thương mại, đô thị lớn, trong khi nông dân, người thu nhập thấp và người nghèo lại tập trung ở nông thôn, vùng sâu vùng xa nên ít có điều kiện tiếp cận Chương trình. 

-  Thứ ba, chương trình bình ổn thị trường mới chỉ tập trung vào hỗ trợ vốn hoặc lãi suất 0%, chưa gắn kết với các đề án, chương trình bổ sung như phát triển kinh tế xã hội địa phương, liên kết giữa sản xuất - lưu thông - bán lẻ, chưa gắn với sắp xếp lại hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ.

- Thứ tư, tỷ trọng vốn được hỗ trợ lãi suất chiếm trong giá thành mặt hàng bình ổn rất nhỏ (chỉ từ 1,5%-2,0%), trong khi giá bán hàng bình ổn giá phải thấp hơn giá thị trường 5-10% hoặc 15% là điều khó thực hiện đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí đầu vào và giá thị trường có xu hướng tăng nhanh.

-  Thứ năm, do giá bán hàng bình ổn thường thấp hơn giá thị trường nên vô hình chung hình thành cơ chế 2 giá, tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, mua đi bán lại hàng bình ổn giá, hưởng chênh lệch giá; có thời điểm tạo ra khan hiếm giả tạo khiến đơn vị bán hàng bình ổn phải bán theo định lượng.

- Thứ sáu, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện bán hàng bình ổn đúng giá cam kết, hoặc đăng ký giá kịp thời theo diễn biến thị trường còn gặp nhiều khó khăn, không kịp thời do lực lượng mỏng, thời gian xem xét điều chỉnh giá lâu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng giá bán hàng bình ổn cao hơn giá thị trường.

Với những hạn chế như trên, để chương trình thực sự phát huy hiệu quả thì cần mở rộng hơn nữa diện "phủ sóng" của chương trình, các điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bên để tạo nguồn hàng ổn định, giá hợp lý hơn; đồng thời cần mở rộng diện doanh nghiệp được vay vốn theo chương trình, cả doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất. Công tác phê duyệt giá bán cũng cần sát sao kịp thời hơn.