Chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh tầm nhìn đến năm 2025

PGS., TS. Vương Đức Hoàng Quân - Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh

Chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế được xem là một trong những giải pháp hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đã chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng của các ngành sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng của các ngành phi nông nghiệp trong tổng GDP.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ IX nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định 6 chương trình đột phá để kinh tế Thành phố tăng trưởng theo chiều sâu và Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và thống nhất: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Đến năm 2020: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 58,16% - 60,07%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng từ 39,19 - 41,07% và nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 0,74% - 0,78%. Đến năm 2025: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 58,29% - 61,10%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng từ 38,29% - 41,05% và khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 0,61% - 0,66%... Nhìn lại thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu khu vực kinh tế

Trong giai đoạn 2000 – 2014, cơ cấu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đã chuyển dịch tích cực theo hướng, giảm dần tỷ trọng GDP hai khu vực nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản và công nghiệp – xây dựng, đồng thời tăng dần tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ. Sự chuyển dịch này đã và đang đi đúng hướng theo định hướng của Chính phủ và của UBND TP. Hồ Chí Minh và sẽ là bước đệm để Thành phố từng bước trở thành trung tâm thương mại, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo của khu vực.

Khu vực nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản giảm dần từ 1,96% năm 2000, xuống còn 1,00% năm 2014 vẫn còn cao so với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Khu vực công nghiệp – xây dựng giảm từ 45,41% năm 2000 xuống còn 39,40% năm 2014. Khu vực dịch vụ tăng dần từ 52,63% năm 2000 lên 59,60% năm 2014. Như vậy, tính đến cuối năm 2014, cơ cấu kinh tế trên địa bàn Thành phố là dịch vụ – công nghiệp, xây dựng – nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (Xem bảng).

Cơ cấu GDP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chia theo khu vực kinh tế giai đoạn 2000 – 2014 (tính theo giá thực tế)

Năm

Tổng số

Nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản

Công nghiệp - xây dựng

Dịch vụ


Giá trị (tỷ đồng)

Cơ cấu (%)

Giá trị (tỷ đồng)

Cơ cấu (%)

Giá trị (tỷ đồng)

Cơ cấu (%)

Giá trị (tỷ đồng)

Cơ cấu (%)

2000

75.863

100,00

1.487

1,96

34.446

45,41

39.929

52,63

2001

84.852

100,00

1.592

1,88

39.190

46,19

44.067

51,93

2002

96.403

100,00

1.632

1,69

45.060

46,74

49.711

51,57

2003

113.326

100,00

1.821

1,62

55.668

49,56

55.837

49,71

2004

137.087

100,00

1.923

1,40

67.011

48,88

68.153

49,72

2005

165.297

100,00

2.121

1,28

79.538

48,12

83.638

50,60

2006

190.561

100,00

2.442

1,28

90.324

47,40

97.795

51,32

2007

243.783

100,00

3.060

1,26

110.832

45,46

129.891

53,28

2008

317.865

100,00

3.903

1,23

139.776

43,97

174.186

54,80

2009

383.457

100,00

4.395

1,15

165.941

43,27

213.121

55,58

2010

463.295

100,00

4.900

1,06

199.014

42,96

259.381

55,98

2011

576.225

100,00

5.946

1,03

237.228

41,17

333.051

57,80

2012

658.898

100,00

7.140

1,08

265.369

40,27

386.389

58,65

2013

764.561

100,00

7.769

1,02

310.640

40,63

446.152

58,35

2014

852.523

100,00

8.778

1,00

335.571

39,40

508.174

59,60

Nguồn: Niên giám thống kê TP. Hồ Chí Minh các năm 2000 – 2014

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu theo nhóm ngành kinh tế

Trong giai đoạn 2000 – 2014, ngành dịch vụ trung gian tài chính có bước phát triển mang tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho toàn khu vực dịch vụ. Tỷ trọng gia tăng đáng kể từ 3,18% năm 2000 lên 11,07% năm 2014 trong cơ cấu GDP dịch vụ TP. Hồ Chí Minh… Dịch vụ khoa học – công nghệ, có tỷ trọng đóng góp vào GDP trong khu vực dịch vụ giai đoạn 2000 – 2014 tăng cao.

Năm 2000, tỷ trọng từ 0,31%, tăng lên 5,5% GDP năm 2014 cho thấy, lĩnh vực này đã nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư phát triển hơn so với thời gian trước đây. Dịch vụ thương nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, đồng thời có xu hướng ổn định qua các năm trong giai đoạn 2000 – 2014. Thành phố hiện có hơn 350.000 cơ sở thương mại, 243 chợ, 184 siêu thị, 30 trung tâm thương mại, 475 cửa hàng tiện ích và 2.310 văn phòng đại diện nước ngoài.

Dịch vụ vận tải – thông tin liên lạc cũng chiếm tỷ trọng cao và tăng dần qua các năm, từ 8,82% năm 2000 lên 12,15% năm 2014. Giai đoạn 2011 – 2014, nhiều công trình giao thông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đồng thời, tiếp tục khởi công nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng khác…

Trong khu vực công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh quyết định sẽ tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, bao gồm: cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa dược – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm. Tính đến cuối năm 2013, 4 ngành công nghiệp trọng yếu này chiếm 65,2% tổng giá trị sản xuất khu vực công nghiệp toàn Thành phố.

Trong số 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 3 ngành hóa chất - nhựa cao su, cơ khí và điện tử – công nghệ thông tin có tỷ trọng giá trị sản xuất tăng liên tục trong giai đoạn 2000–2014. Cụ thể, ngành hóa chất – nhựa cao su tăng từ 16,95% năm 2000 lên 20,26% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2014. Hiện ngành đang phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường và tăng giá trị gia tăng, với công nghệ và thiết bị không ngừng được cải tiến, đầu tư.

Ngành Cơ khí tăng từ 11,74% năm 2000 lên 22,01% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghệp năm 2014. Nhiều công nghệ, trang thiết bị thế hệ mới đã được các doanh nghiệp (DN) ứng dụng, đặc biệt là các dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc điều khiển tự động bằng máy tính đã được các DN trong nước sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao…

Ngành Điện tử – công nghệ thông tin có quy mô sản lượng sản xuất chiếm khoảng trên 27% so với cả nước, với tỷ trọng tăng từ 0,79% năm 2000 lên 4,18% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2014. Nhiều trung tâm công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin phát triển như Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao Thành phố… đã thu hút được các tập đoàn kinh tế thế giới như Intel, Nidec…

Riêng ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm thì có xu hướng giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất trong cùng giai đoạn 2000 – 2014. Điều này phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng cao.

Một số khuyến nghị

Để xây dựng TP. Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra và mục tiêu phát triển thành một đô thị lớn văn minh, hiện đại ở khu vực Đông Nam Á, là trung tâm trên một số lĩnh vực, có cơ sở hạ tầng đô thị phát triển ngang bằng với các thành phố lớn của các nước trong khu vực, thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai một số định hướng quan trọng sau:

Một là, về kinh tế: Thành phố lấy dịch vụ và công nghiệp giá trị tăng cao làm nền tảng phát triển, đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Là một trung tâm kinh tế lớn nhất nước, là nơi hội tụ của giới kinh doanh, xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành nơi thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đặt trụ sở kinh doanh của mình để tiến hành các hoạt động kinh doanh trên phạm vi cả nước và các nước trong khu vực; từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, trung tâm tài chính và thương mại của khu vực Đông Nam Á. Có cơ cấu kinh tế hiệu quả và bền vững, đáp ứng phát triển theo chiều sâu.

Hai là, về phát triển ngành dịch vụ: TP. Hồ Chí Minh cần định hướng với 9 nhóm ngành: Tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; Vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, truyền thông; Kinh doanh tài sản, bất động sản; Dịch vụ tư vấn, khoa học công nghệ; Du lịch; Y tế và Giáo dục đào tạo chất lượng cao. Phấn đấu đưa giá trị gia tăng của các nhóm ngành dịch vụ trên có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn, trong đó:

- Ngành Tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm: Tập trung nghiên cứu, xây dựng định chế tài chính, phát triển sản phẩm và thị trường tài chính. Khuyến khích mở rộng thị trường ra cả nước và bước đầu tham gia vào thị trường vốn quốc tế.

- Thương mại: Cần tập trung các loại dịch vụ xuất khẩu, là nơi đặt trụ sở giao dịch của các công ty lớn trong nước và quốc tế. Xây dựng Trung tâm thương mại quốc tế và thành lập Sở Giao dịch hàng hóa. Phát triển Thành phố thành một trung tâm mua sắm của cả nước và khu vực.

- Dịch vụ vận tải, kho bãi, hệ thống cảng: Xây dựng hệ thống kho, bãi hiện đại, đáp ứng nhu cầu là trung tâm về vận tải đường bộ, đường thủy, đường sông. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cảng mới, đường bộ, đường sắt; di dời hệ thống cảng biển ra khỏi nội thành…

- Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông: Mở rộng phát triển dịch vụ gia công, xử lý, quản lý dữ liệu từ xa, gắn với dịch vụ viễn thông - tin học- truyền thông; phát triển dịch vụ đa chức năng, khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng lưới viễn thông.

- Kinh doanh tài sản – bất động sản: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu đô thị mới; Thực hiện các chính sách đất đai, xây dựng để tăng khối lượng cung về nhà ở và các giải pháp về tài chính để kích thích khối cầu.

- Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ: Tập trung phát triển các dịch vụ khoa học, công nghệ và tư vấn để tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển lĩnh vực thiết kế, tạo mẫu và lĩnh vực quảng cáo; phát triển thị trường công nghệ.

- Du lịch: Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Thành phố; Liên kết với các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển các khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Y tế: Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xây dựng một số trung tâm y tế chất lượng cao. Xây dựng một số trung tâm y tế - sinh thái, kết hợp khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng đạt chuẩn quốc tế.

- Giáo dục và đào tạo: Tăng cường đào tạo ở hai lĩnh vực kỹ thuật và quản lý; Tập trung đào tạo nghề, các ngành khoa học – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khuyến khích các trường, cơ sở giáo dục quốc tế thành lập chi nhánh tại Thành phố.

Ba là, về phát triển ngành công nghiệp: TP. Hồ Chí Minh cần tập trung hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các sản phẩm và ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, bao gồm: Cơ khí chế tạo; Điện tử, viễn thông tin học; Công nghiệp hóa chất và dược phẩm; Chế biến lương thực, thực phẩm với giá trị gia tăng cao, cụ thể:

- Công nghiệp cơ khí chế tạo: Ưu tiên các ngành sản xuất và nội địa hóa lắp ráp ô tô. Sản xuất các loại kết cấu kim loại và thiết bị phi tiêu chuẩn như kết cấu kiện thép cho xây dựng; các loại máy móc phục vụ công nghiệp chế biến, máy móc phục vụ nông nghiệp.

- Điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông: Ưu tiên sản xuất linh kiện, phụ tùng, các sản phẩm điện tử gia dụng và công nghiệp, điện tử viễn thông, máy tính, các phần mềm xuất khẩu, các dịch vụ điện tử - tin học, dịch vụ trực tuyến và đa truyền thông…

- Công nghiệp hóa chất: Ưu tiên sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng; các sản phẩm nhựa, cao su; sản phẩm phục vụ công nghiệp; sản phẩm trung gian từ hóa dầu; sản phẩm phục vụ nông nghiệp.

- Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp rượu bia nước giải khát, các ngành công nghiệp chế biến sữa, công nghiệp chế biến thịt, chế biến thực vật, chế biến bánh kẹo…

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

2. Báo cáo Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ IX nhiệm kỳ 2011-2015;

3. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê TP. Hồ Chí Minh từ năm 2000 – 2014;

4. Trương Thị Hiền, 2011, “Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh theo hướng cạnh tranh”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 1 (11).