Chuyên gia "bóc mẽ" sự thật về GDP "quý sau cao hơn quý trước"

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Các chuyên gia cho rằng: Những nguyên nhân chính gây ra khó khăn cho nền kinh tế trong thời gian qua vẫn chưa được giải quyết, do đó tăng trưởng khó có sự bứt phá.

Chuyên gia "bóc mẽ" sự thật về GDP "quý sau cao hơn quý trước" - Ảnh 1
Phía sau việc GDP "quý sau cao hơn quý trước"

Trong bài tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức trong 2 ngày 28 và 29/4, PGS., TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Vẫn còn rất nhiều lý do để lo ngại về tính vững chắc của xu hướng ổn định, về triển vọng còn khá mong manh của quá trình phục hồi tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,42%, cao hơn năm trước và vượt nhiều dự đoán của các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Thiên, đây vẫn là mức tăng trưởng thấp so với kế hoạch được Chính phủ và Quốc hội thông qua. Có vẻ nó chứng tỏ quá trình phục hồi tăng trưởng đã diễn ra, song rất chậm, khó khăn và chưa chắc chắn.

Giống như nhiều năm trước, đồ thị tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam vẫn diễn ra theo xu hướng “quý sau cao hơn quý trước”. Thành tích tăng trưởng hàng năm được đo theo quý này thường được nhấn mạnh trong các bản tổng kết cuối năm.

Ông Trần Đình Thiên phân tích: Điều dễ nhận thấy trong đồ thị tăng trưởng GDP theo quý là cứ sau mỗi đợt “tổng kết” thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở Quý IV, thì sang Quý I năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác, khởi đầu cho một năm mới nền kinh tế lại “hì hục” bò lên, để liên tục tăng trong 3 quý tiếp theo, như là sự chuẩn bị cho một “cú rơi” mới vào đầu năm sau.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng: Đó là tính chu kỳ kinh tế lạ lùng đối với hầu hết các nền kinh tế trong thế giới hiện đại nhưng lại không hề xa lạ đối với nền kinh tế Việt Nam.
 
Vì thế, cho dù trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP đều được liên tục cải thiện theo từng quý, thì ở cả 3 năm, tốc độ tăng trưởng GDP tính theo năm đều rất thấp - thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.

"Nghĩa là nền kinh tế đang ở “vùng đáy”  của đồ thị tăng trưởng trong giai đoạn kể từ năm 2000 đến nay" - ông Thiên phân tích - "Như vậy, việc cải thiện tốc độ tăng trưởng theo quý không ảnh hưởng gì lớn đến “đại cục hàng năm” của GDP. Tốc độ tăng trưởng theo năm vẫn “tụt xuống” hoặc “đi ngang” trong vùng đáy suốt nhiều năm liền. Nghĩa là ngược lại với cảm giác tăng".

Phối hợp cách đo tăng trưởng GDP theo quý và theo năm, PGS., TS. Trần Đình Thiên nhận định: Sự vươn lên trong suốt mỗi năm của nền kinh tế trong thời gian qua chỉ là kết quả của những nỗ lực ngắn hạn, dù tích cực, nhưng không đủ để xoay chuyển tình hình. Nền kinh tế vẫn tiếp tục “trồi sụt” tăng trưởng và bất ổn.

Khả năng bứt phá khó khăn

Tham luận của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Kể từ cuối năm 2013, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng đạt mức tăng trưởng khá, song nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong “vùng tăng trưởng thấp” mặc dù đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng đã được chặn lại.

"Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài trong những năm tới, nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực sẽ rất lớn" - TS. Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng: Khả năng bứt phá của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới đã chuyển sang một quỹ đạo tăng trưởng mới, thấp hơn và sẽ rất khó để xuất hiện những sự tăng trưởng “thần kỳ” của một số nền kinh tế đang phát triển như trước.

Đặc biệt, tình trạng "hụt hơi" của kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực hiện nay còn có phần là do suy giảm các động lực tăng trưởng.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, nếu tiếp tục duy trì phương thức phát triển như hiện nay, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam sẽ có nguy cơ rất lớn bị vướng vào những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Khi đó, Việt Nam sẽ khó có thể vượt ra khỏi bức “trần” về công nghệ và cơ cấu sản xuất. Trong khu vực, Philippines hiện là nước đã rơi vào “bẫy giá trị gia tăng thấp” này, thậm chí còn trước khi rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như Thái Lan đang mắc phải.

Vì vậy, vượt qua “bẫy giá trị gia tăng thấp” cũng là một trong những mục tiêu đặt ra cho nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.