Chuyển hướng thay thế nguyên liệu Trung Quốc

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Để tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp (DN) đang chuyển hướng lựa chọn thay thế bằng nguyên liệu từ các thị trường khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tiên phong trong cuộc "cách mạng" này là ngành dệt may. Để có thể chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu ở thị trường mới, mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã khuyến cáo các DN trong ngành: DN chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiệp hội đã định hướng một số thị trường cho DN như: Hợp tác nhập khẩu xơ từ Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia; nhập sợi từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ; nhập vải từ Hàn Quốc, Thái Lan, Maylaysia…

Đối với ngành nhựa, ông Hồ Đức Lam- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam- cho biết, do thuế nhập khẩu trong các nước Asean bằng 0% nên hiện các DN nhựa đã tăng nhập khẩu nguyên liệu của các nước trong khu vực, nhất là Singapore.

"Các DN tùy theo chiến lược và nhu cầu của mình mà lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu dựa trên tiêu chí chất lượng và giá cả. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ, nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để DN lựa chọn. Hiện nguyên liệu nhựa Trung Quốc nhập về Việt Nam đang phải chịu thuế trung bình 5%, cao hơn các nước Asean, nên đây chính là cơ hội để DN trong nước từ bỏ nguồn nhập khẩu này"- ông Lam khẳng định.

Bà Hồ Trang- Tổng giám đốc Công ty Áo mưa Lucky- cho hay, 5 năm trước, Lucky sử dụng 100% nguyên liệu của Trung Quốc, nhưng thời gian qua, vì sức khỏe của người tiêu dùng, công ty đã chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu từ Thái Lan, Ấn Độ... Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm hợp túi tiền người tiêu dùng, công ty vẫn phải nhập một phần nguyên liệu từ Trung Quốc.

"Chúng tôi không thể chuyển hóa ý thức của người tiêu dùng ngay được do cần có thời gian. Vì vậy, chúng tôi đang từng bước hạn chế nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc. Ban đầu có thể gặp nhiều khó khăn khi phải tìm các thị trường mới, giá cạnh tranh tốt hơn, nhưng chúng tôi tin sẽ làm được"- bà Trang cho biết thêm.

Bà Phạm Thị Duyên- đại diện Công ty Hương liệu và thực phẩm Hoàng Anh- nói: Thời gian qua, mặt hàng hương liệu phải nhập khẩu 100%, chủ yếu là từ Trung Quốc do giá rẻ. Tuy nhiên, gần đây Hoàng Anh đã nghiên cứu phương án để có thể tạo ra hương liệu và không phải nhập khẩu. "Muốn làm được điều đó, DN phải có nhà máy đầu tư theo chiều sâu với trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế và kinh nghiệm học hỏi từ nước ngoài"- bà Duyên chia sẻ.

Rõ ràng, chủ động và đa dạng nguồn nguyên liệu là việc không thể không thực hiện để hạn chế những rủi ro về kinh tế trong bối cảnh hiện nay.